Tăng cường hoạt động kiểm tra cơ sở Giải pháp hữu hiệu phòng chống cúm A/H7N9 tại Hà Nội
Nguy cơ bùng phát chủng cúm A/H7N9 trên địa bàn thành phố Hà Nội là quá cao do Hà Nội có đàn gia cầm lớn thuộc tốp đứng đầu cả nước với trên 25 triệu con. Có chợ đầu mối Hà Vỹ chuyên buôn bán, xuất nhập gia cầm sống lớn nhất khu vực miền Bắc, hàng ngày trung bình chợ tiêu thụ khoảng 30 – 40 tấn thịt gia cầm sống các loại. Bên cạnh đó Hà Nội với 10 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc nên việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm là rất lớn, khoảng gần 200 tấn/ngày. Hà Nội cũng là nơi giáp ranh với 08 tỉnh, thành phố nên việc vận chuyện, lưu thông, kinh doanh buôn bán gia cầm ra, vào là rất lớn.

Để chủ động phòng chống Cúm A/H7N9 trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trong đó phải kể đến một giải pháp hữu hiệu đó là tăng cường kiểm tra cơ sở. UBND Thành phố đã thành lập 04 đoàn Kiểm tra liên ngành để đi kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã. Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện 04 ngành liên quan (Công an, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT). Nội dung kiểm tra cụ thể về công tác xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, chuẩn bị kinh phí, con người, vật tư, thiết bị, các phương án phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Kiểm tra công tác tham mưu của đội ngũ thú y cơ sở trong triển khai phòng, chống dịch cúm gia cầm. Kiểm tra thực tế tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, sơ chế, chế biến gia cầm, sản phẩm gia cầm; kiểm tra hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch động vật.

Sau gần một tháng (từ 15/3 đến 15/4/2017) 04 đoàn đã thực hiện kiểm tra tại tất cả 30/30 quận, huyện thị xã. Kết quả được ghi nhận cụ thể:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

         Chính quyền các địa phương đã chủ động ban hành kịp thời các quyết định, văn bản, kế hoạch tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định. Nhiều quận, huyện đã có chỉ thị của huyện ủy, quận ủy, công điện của ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo đến tất cả các chi bộ, đơn vị hành chính, các trường học, đơn vị đóng trên địa bàn. Chỉ đạo và huy động hệ thống chính trị của địa phương tập trung thực hiện, đôn đốc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đến tận xã, phường, thôn, xóm, cụm dân cư. Chủ động và bố trí kinh phí sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

         Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn:

UBND cấp quận, huyện đã xây dựng bài tuyên truyền phát trên đài truyền thanh và chỉ đạo các xã, phường phát trên loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng cúm gia cầm khác để người dân chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Việc tiếp âm của đài truyền thanh các xã cũng được đảm bảo theo chỉ đạo của quận/huyện về thời lượng, nội dung. Hệ thống truyền thanh xã ở nhiều nơi đã cụ thể hóa nội dung tuyên truyền của các cơ quan chuyên môn. Quan trọng hơn là các bài viết được ngắn gọn giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ áp dụng. Nội dung truyên truyền được thực hiện theo hướng để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh, không tuyên truyền một chiều làm người dân hoang mang, “quay lưng lại với sản phẩm gia cầm” để đảm bảo phát triển sản xuất ổn định. Bên cạnh đó có nhiều bài viết rất cụ thể hướng dẫn người dân sử dụng và cách thức nhận biết nguồn gốc sản phẩm từ gia cầm; các hộ kinh doanh chỉ kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Các hoạt động chuyên một thực hiện giải pháp phòng bệnh:

Các quận/huyện đã tổ chức, triển khai có hiệu quả, đúng kế hoạch 03 đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố. Hỗ trợ kinh phí tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng với các tình huống khi có dịch xảy ra. Chính quyền các địa phương đã chủ động ban hành kịp thời các quyết định, văn bản, kế hoạch tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định.

         Tổ chức tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi nói chung, cúm gia cầm nói riêng đảm bảo đúng kế hoạch của thành phố. Ngoài ra chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động mua vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng hưởng hỗ trợ của thành phố. Một số huyện làm rât tốt công tác hỗ trợ kinh phí của huyện mua bổ sung một số loại vacxin tiêm phòng như Thường Tín, Đông Anh, Sóc Sơn...

         Đặc biệt về chuyên môm, nhiều huyện đã làm rất tốt việc giám sát hoạt động nhập gia cầm về địa phương cũng như việc lấy mẫu để giám sát các chủng vi rút cúm nhằm chủ động phát hiện sớm để có biện pháp ứng phó kịp thời. Công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y và ATTP được thực hiện tăng cường và có hiệu quả. Trên địa bàn các quận đã cơ bản xử lý được hoạt động kinh doanh gia cầm sống tại các chợ, tụ điểm kinh doanh. Về hoạt động thanh tra, kiểm tra nhiều quận huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Y tế, công an, thú y, quản lý thị trường….) đi kiểm tra các xã phường, thị trấn trong công tác phòng chống dịch bệnh Cúm A/H7N9 (Thanh Oai, Đông Anh, Mê Linh,...). Chính từ hoạt động này đã giúp cho các xã, phường, thị trấn, cơ sở kinh doanh, chăn nuôi, giết mổ, người tiêu dùng cùng vào cuộc phòng chống dịch bệnh.

         Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, các đoàn kiểm tra cũng thấy và đánh giá những khó khăn, tồn tại tại các quận/huyện, các xã/phường và các cơ sở chăn nuôi gia cầm trong việc thực hiện các giái pháp phòng chống cúm A/H7N9 đó là:

         Chính quyền một số địa phương còn chậm trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về phòng, chống dịch bệnh (Hoài Đức, Mỹ Đức, Hà Đông, Tây Hồ…). Ở một số nơi sự phối hợp giữa các ngành liên quan còn chưa được chặt chẽ (Y tế, Công an, QLTT….). Trên địa bàn một số phường của các quận (Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông…) vẫn còn tình trạng chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm sống vẫn diễn ra, hoạt động không đúng nơi quy định, khi các lực lượng chức năng đến thì bỏ chạy do đó rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tại các huyện chăn nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP do đó việc phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn. Ý thức chấp hành các quy định của người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế.

Trên địa bàn nhiều huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung, do vậy việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vận động người kinh doanh lấy sản phẩm từ lò mổ còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi Luật thú y có hiệu lực (từ ngày 01/7/2016) bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc động vật – sản phẩm động vật đưa vào lưu thông, buôn bán. Ở một số cơ sở, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ vẫn còn sự chủ quan về mối nguy hiểm do vi rút cúm gia cầm lây sang người; vẫn còn có những người kinh doanh vì lợi nhuận nên không tuân thủ các qui định của nhà nước trong chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm; vẫn còn thói quen mua hàng ở chợ cóc chợ tạm, mua hàng không có tem nhãn, hàng không bao gói, hàng không có dấu kiểm soát giết mổ của rất nhiều người tiêu dùng.

Từ thực trạng trên các đoàn kiểm tra đề nghị UBND cấp quận/huyện tiếp tục chỉ đạo chính quyền xã, phường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm lông trên địa bàn các quận nội thành. Chủ động bố trí kinh phí tổ chức, triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra việc chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền. Tuyên truyền phải đảm bảo nội dung ngắn, gon, đầy đủ thông tin và không gây hoang mang trong dư luận. Chỉ đạo chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương công khai số điện thoại để nắm bắt tình hình và người dân biết để chủ động khai báo. Các ban ngành và cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên vật nuôi và người đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời để có giải pháp ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra. Thực hiện tốt hơn việc quy hoạch các điểm, khu chăn nuôi, giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Các đoàn kiểm tra cũng đã chia sẻ thông tin, nhất là ý kiến chỉ đạo của Thành phố về tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống cúm A/H7N9 trong thời gian tới. Trên quan điểm không được chủ quan lơ là, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, coi trọng các hình thức tuyên truyền để người dân cùng đồng thuận tham gia các giải pháp phòng chống dịch bệnh, có như vậy mới có hiệu quả ngay từ cơ sở.

 

Có thể khẳng định, việc tăng cường kiểm tra các hoạt động tại cơ sở về phòng chống dịch bệnh nói chung, cúm A/H7N9 nói riêng là một hoạt động thiết thực, cần thiết giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội rất có hiệu quả góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm cầm./.

Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 14557
Tổng lượng truy cập: 28234112