Năm 2014, được tham gia thí điểm mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai, gia đình ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Cụm 5, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) đã vay vốn xây dựng hệ thống chuồng trại có quạt thông gió để làm mát và thoáng khí cho đàn lợn phát triển tốt, mua máy nghiền, máy trộn thức ăn cho lợn... Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, ông Thỉnh tách lợn giống từ 20 đến 30 kg/con ra khỏi lợn mẹ và cho ăn 100% cám sinh học. Kết quả, sau 3 tháng chăn nuôi, chất lượng thịt chắc, màu tươi bắt mắt, khi luộc chín thịt thơm ngon, ngọt, không có mùi hôi... Từ đó đến nay, cơ sở nuôi lợn của ông Thỉnh thường xuyên có 80 con lợn nái, 150 - 200 con lợn thịt. Mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học có nhiều ưu việt hơn so với nuôi lợn bằng thức ăn thông thường. Do thức ăn sinh học của lợn chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa hoóc môn, thuốc kích thích, chất tạo nạc nên đàn lợn có tốc độ sinh trưởng ổn định, bình quân 25kg/tháng; chất lượng thịt ngon, thơm đặc trưng do đó giá bán cũng cao hơn so với lợn thường từ 5.000 - 10.000đ/kg. Hiện nay, trên địa bàn xã Thọ Lộc đã có 15 hộ chăn nuôi bằng thức ăn sinh học trên tổng số hơn 50 hộ chăn nuôi lợn. Hợp tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ là đơn vị quản lý, theo dõi quy trình chăn nuôi và giúp các hộ tiêu thụ sản phẩm. Sau khi giết mổ thịt cũng được đóng gói và bảo quản trước khi mang đi tiêu thụ. Hiện tại, sản phẩm thịt lợn sinh học Phúc Thọ không chỉ cung ứng cho người dân trên địa bàn xã ngay tại cửa hàng mà còn có mặt tại gần 10 đại lý trên địa bàn các quận, huyện trên địa bàn Thành phố như quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, huyện Ứng Hòa, Sơn Tây, Mỹ Đức, Đông Anh…và các bếp ăn tập thể.
Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (HTX Đồng Tâm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) là một trong những HTX điển hình về mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tư vấn và hỗ trợ xây dựng chuỗi. Ông Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX cho biết: Mặc dù mới chính thức được thành lập từ tháng 8 năm 2016, song từ năm 2014, những thành viên chủ chốt của HTX đã tham gia mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hỗ trợ. Với mong muốn đưa sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đến với người tiêu dùng Thủ đô, ông Nguyễn Đình Tường đã cùng với 7 thành viên khác có cùng tâm huyết đã thành lập HTX Đồng Tâm. Hiện tại, được sự hỗ trợ và tư vấn của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, HTX Đồng Tâm đang thực hiện chăn nuôi lợn theo một chuỗi khép kín từ khâu con giống do một thành viên trong HTX đảm nhiệm nuôi và cung cấp, đến khâu giết mổ, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Quy mô trung bình 300 con lợn thịt /hộ, khu giết mổ sau khi đi vào hoạt động sẽ có công suất tối đa từ 15-20 con/ ngày, thịt lợn sau khi giết mổ sẽ được đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ mát hoặc cấp đông đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tính đến tháng 1 năm 2017, tổng đàn lợn toàn Thành phố là 1.874.286 con với 119.851 hộ nuôi. Về phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm, đến nay, Hà Nội đã hoàn thiện được một số mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm; thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân. Tính đến tháng 12/2016, trên địa bàn Thành phố đã hình thành được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 9 chuỗi thịt lợn, cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt/ngày. Mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tăng giá bán từ 10 - 25% so với sản phẩm thông thường. Việc xây dựng chuỗi đã giúp các tác nhân kiểm soát được số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; Nâng cao nhận thức về ATTP đối với các tác nhân từ chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Một số chuỗi đã hoàn thiện được hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình trên còn gặp nhiều khó khăn bởi giá thành sản xuất cao, trong khi thị trường tiêu thụ mới chỉ tập trung tại một số ít quận nội thành, các siêu thị, nhà hàng và bếp ăn tập thể. Để ngành chăn nuôi lợn của Thành phố phát triển ổn định, Trung tâm PTCN Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp cụ thể:
1. Tập trung sản xuất giống, nâng cao năng suất chăn nuôi:
Để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi, sản xuất giống lợn trong thời gian tới cần tập trung xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lợn theo hình tháp 4 cấp từ cụ kỵ-ông bà-bố mẹ-thương phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo điều kiện nhập khẩu giống lợn cao sản như giống Landrace, Yorshire, Duroc... có năng suất, chất lượng vượt trội từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Đan Mạch vv. Nâng năng suất chăn nuôi lợn nái tính chung trên toàn Thành phố đạt 23-25 con lợn con cai sữa/nái/năm, năng suất chăn nuôi lợn nái tại các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt 26 cai sữa/nái/năm; nâng tỷ lệ TTNT trên đàn lợn nái đạt 90%
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ưng dụng công nghệ trong chăn nuôi sử dụng các dây chuyền chăn nuôi khép kín, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tạo tính đồng đều cao, sản phẩm từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập
2. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết:
Đây là nhiệm vụ quan trọng, để phát triển chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thì điểm mấu chốt là sự tham gia của doanh nghiệp làm đầu mối để phát triển chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu chế biến của các nhà máy chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.
Khai thác hết công suất các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện nay trên địa bàn Hà Nội, khuyến khích sản xuất thịt mát, thịt cấp đông, thiết lập chuỗi với các kênh phân phối sản phẩm cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hợp tác bài bản với người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào (thức ăn, thuốc…), xây dựng nhãn hiệu nhằm phát triển chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả.
3. Công tác truyền thông:
Tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Các doanh nghiệp cũng cần phải tiếp cận ngay công nghệ sản xuất này, hiện nay, các sản phẩm thịt mát và thịt cấp đông trên thị trường còn cơ bản sản xuất chưa theo đúng theo quy trình, các siêu thị vẫn mua thịt tại các lò mổ thủ công về tự pha lóc đóng gói trong khi đó quy trình thịt mát, thịt cấp đông là từ sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp (mới đảm bảo vệ sinh) theo dây chuyền thịt sẽ tự động chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ từ 0°C đến 4°C trong thời gian từ 8 đến 12 giờ sau đó mới pha lóc đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông.
4. Phát triển nhãn hiệu chứng nhận:
Hiện nay, đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài ra, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sản phẩm an toàn - sản xuất theo chuỗi - truy xuất được nguồn gốc”. Việc phát triển nhãn hiệu chứng nhận sẽ giúp người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin nữa mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)