Hà Nội: Tập trung “Bốn tình huống” ứng phó khẩn cấp với virut cúm A/H7N9.
Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp &PTNT), virus cúm A/H7N9 nguy hiểm ở chỗ là gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng lâm sàng, trong khi lây sang người thì tỷ lệ tử vong cao tới 40%. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Hà Nội đã chủ động các nguồn lực và chia ra 4 tình huống ứng phó.

             Vi rút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng  chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm; vi rút lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao. Tại Trung Quốc, từ  tháng 3/2013 đến ngày 20/3/2017, các tỉnh đã có 1.342 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có 494 ca tử vong. Đặc biệt trong gần 3 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 533 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó các tỉnh chung biên giới với Việt Nam là Quảng Tây có 17 người, Vân Nam có 2 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Đồng thời, Trung Quốc đã phát hiện trên 2.000 mẫu dương tính với virus cúm A/H7N9 trên gà, vịt, bồ câu, vẹt, ở môi trường tại các chợ gia cầm và một số trường hợp ở trại gia cầm nuôi thương phẩm, gia cầm giống. Vì vậy, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác chưa có ở Việt Nam xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có nhiều hoạt động buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

 Để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm phát sinh trên đàn gia cầm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố; Hà Nội đã chủ động các nguồn lực và chia ra 4 tình huống ứng phóvới mục tiêu chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập, cụ thể:

1. Tình huống 1: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người. Hiện tai, Hà Nội đang ở tình huống này và đã chủ động triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9, đồng thời phát hiện kịp thời nếu vi rút xâm nhập vào Thành phố.

Các hoạt động cụ thể:

          - Kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp; thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với cúm gia cầm H7N9; triển khai diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, người.

          - Ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban ngành của địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Trung ương, Thành phố tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.

          - Rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết gia cầm sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán gia cầm loại thải, gia cầm không rõ nguồn gốc để giám sát.

          - Chỉ đạo lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y, chính quyền địa phương đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Tổ chức tiêu hủy tất cả gia cầm nhập lậu qua biên giới.

          - Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bất hợp pháp; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút cúm cho người và các biện pháp sử dụng gia cầm an toàn. Vận động các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia tuyên truyền.

          - Chỉ đạo ngành thú y tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với gia cầm sống bán tại các chợ. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hệ thống thú y của địa phương.

          - Định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn thành phố, những khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt chợ buôn bán gia cầm sống.

          - Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Chuẩn bị các phương án tiêu hủy gia cầm khi có mẫu dương tính.

          - Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng ngừa dịch xâm nhập tại các địa bàn có nguy cơ cao.

2. Tình huống 2: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.

Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên và phát tán rộng

Các hoạt động cụ thể: Về cơ bản, các hoạt động cụ thể vẫn được triển khai như trong tình huống 1, cần chú trọng thêm các hoạt động sau:

          - Địa phương có bệnh nhân mắc bệnh tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp để chỉ đạo chung. Thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo, giám sát chặt địa bàn có bệnh nhân và những nơi có liên quan về dịch tễ.

          - Chỉ đạo hệ thống thú y địa phương tăng cường các hoạt động lấy mẫu giám sát đàn gia cầm và môi trường để xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9; tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc nhằm cung cấp gia cầm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng.

          - Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tuyên truyền các thông điệp do ngành y tế và thú y cung cấp, đảm bảo không gây hoang mang cho cộng đồng.

          - Chỉ đạo các ban ngành chức năng của địa phương tăng cường giám sát việc thực thi các biện pháp kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn xã có bệnh nhân.

          - Chỉ đạo chuẩn bị triển khai phương án cung cấp thực phẩm thay thế và bình ổn giá.

          - Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực và phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan, chuẩn bị đủ kinh phí, dụng cụ, hóa chất, địa điểm chôn lấp gia cầm trong trường hợp phát hiện ca bệnh cúm A/H7N9 trên động vật.

          3. Tình huống 3: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.

          Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên, phát tán rộng và ngăn ngừa vi rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho người

          Các hoạt động cụ thể:

          Với trường hợp virus cúm A/H7N9 trên các mẫu lấy tại chợ: Cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ dương tính trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus trong chợ. Điều tra truy xuất nguồn gốc gia cầm bán trong chợ để xác định các trang trại đã cung ứng; giám sát các chợ gia cầm thứ cấp có liên quan.

Lấy mẫu giám sát và tiêu hủy ngay những đàn gia cầm đang được bán trong chợ. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với toàn bộ khu vực chợ để giảm thiểu phát tán vi rút, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tăng cường lấy mẫu giám sát tại các chợ có liên quan.

Trường hợp phát hiện virus cúm A/H7N9 trong các mẫu thu thập từ trại chăn nuôi: Tiến hành điều tra dịch tễ; tiêu hủy gia cầm trong trang trại nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền vi rút ra ngoài, hỗ trợ chủ gia cầm bị tiêu hủy như đối với trường hợp hủy do cúm H5N1.

Đóng cửa trang trại trong ít nhất 21 ngày và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn trang trại. Đàn gia cầm tại các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan sẽ được giám sát, đồng thời thực hiện vệ sinh, khử trùng tại những nơi này.

Kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn cấp huyện, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch thú y. Tổ chức tiêu độc khử trùng ở địa bàn phát hiện virus cúm A/H7N9.

Trường hợp phát hiện virus A/H7N9 trong thôn, bản, ấp có nuôi gia cầm: Tiến hành điều tra dịch tễ để xác định những đàn gia cầm có tiếp xúc với đàn bị nhiễm bệnh; tiêu hủy tất cả gia cầm trong các đàn bị nhiễm bệnh và đàn có tiếp xúc với đàn nhiễm bệnh.

Tiêu độc và khử trùng khu vực có đàn gia cầm nhiễm bệnh; tạm dừng việc vận chuyển gia cầm trong thôn, bản, ấp, bao gồm cả việc cấm thả rông gia cầm; lấy mẫu xét nghiệm thêm để xác định mức độ lan truyền vi rút trong địa bàn; thông báo cho ngành y tế để tiến hành giám sát bệnh trên người.

Đồng thời, xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường (chợ, trang trại, thôn làng) và thông tin trên các phương tiện truyền thông.

4. Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

          Mục tiêu: Giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên, phát tán rộng và tiếp tục lây nhiễm cho động vật, cho người.

          Các hoạt động cụ thể: Triển khai các biện pháp như tình huống 2 và 3. Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế và cơ quan chuyên môn cấp trên hỗ trợ phòng, chống dịch.

 

          Chắc chắn việc xây dựng 04 tình huống nêu trên  với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự đồng thuận của người chăn nuôi, người tiêu dùng Hà Nội sẽ thực hiện tốt các giải pháp phòng chống cúm A/H7N9 trên người và gia cầm./.

Cấn Xuân Minh - Chi cục Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 20281
Tổng lượng truy cập: 28234112