Trong năm giá tiêu thụ lợn thịt, lớn giống khá ổn định, giá thị trường lợn giống có mức khoảng từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng/con, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giao động từ 30 - 35 ngàn đồng/kg. Có thời điểm cao lên trên 40 ngàn đồng/con, người chăn nuôi có lãi cao nên đã phát triển nhanh, có nơi phát triển theo phương thức tự phát.
Năm 2016 cũng là năm tiếp tục có chuyển biến mạnh hơn trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn để nâng cao năng xuất. Cụ thế đã đưa thụ tinh nhân tạo vào sản xuất giống lợn đạt tỷ lệ phối giống nhân tạo đạt 79,4% tổng đàn lợn nái sinh sản, các giống mới đưa vào đã khẳng định được về tính thích nghi, hiệu quả kinh tế (như giống Pietrain kháng Strees, Landrace, Yorshire, Duroc...). Về tiêu thụ sản phẩm đã hình thành và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi- tiêu thụ sản phẩm. Việc xây dựng chuỗi liên kết đã giúp các tác nhân kiểm soát được số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; nâng cao nhận thức về ATTP đối với các tác nhân từ chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Một số chuỗi đã hoàn thiện được hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, giúp tạo ra được các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được trong ngành chăn nuôi lợn tại Hà Nội hiện cũng bộc lộ khá nhiều hành chế từ sản xuất đến tiêu dùng. Cụ thế giá thành sản phẩm sản xuất cao, năng suất chăn nuôi thấp do năng suất sinh sản của các giống lợn nuôi trong nước thấp hơn so với các nước. Năng suất sinh sản của đàn lợn nái nuôi tại Hà Nội chỉ đạt 20-21 con lợn con cai sữa/nái/năm, thấp hơn nhiều so với các nước chăn nuôi tiên tiến như Đan Mạch (từ 31-33 con); Canada, Pháp (26 con); Mỹ (24 con) và thấp hơn các nước trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan (bình quân 25 con). Chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát còn nhiều và việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế; vẫn theo trào lưu và tâm lý của thị trường nên thường xảy ra tình trạng vào lợn ồ ạt không kiểm soát, không có đầu ra, dẫn tới “được mùa rớt giá”. Đặc biệt thời điểm cuối năm 2017, giáp tết Nguyên Đán Đinh Dậu giá thịt lợn hơi tại các trang trại xuống quá thấp, dưới 30 ngàn đồng/kg, không những vậy lại rất khó tiêu thụ làm cho các chủ trang trại lao đao, khốn khó trong tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi còn hạn chế do đầu tư chi phí lớn, trong khi cơ bản đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi do các hộ tự dồn điền đổi thửa hoặc thuê khoán với thời gian ngắn (5-10 năm, điều kiện pháp lý về đất đai chưa đảm bảo) nên các hộ chưa thực sự yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn qua khâu trung gian (thương lái) chưa trực tiếp ký kết với người chăn nuôi. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn phổ biến đã trực tiếp cạnh tranh với những cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung, bán công nghiệp. Thói quen, tập quán tiêu dùng vẫn sử dụng là thịt tươi nên một số cơ sở giết mổ công nghiệp hiệu quả hoạt động thấp chỉ đạt khoảng 10- 15%, cơ sở bán công nghiệp chỉ đạt 30-50% công suất. Còn thiếu các doanh nghiệp đầu mối đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế đóng gói sản phẩm thành thành phẩm như thịt mát, thịt cấp đông và các sản phẩm chế biến có nhãn hiệu để cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể và cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm. Chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi nên vẫn có sự bị động từ phía người chăn nuôi và doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang ký kết hợp đồng với từng hộ chăn nuôi trong chuỗi theo hình thức mùa vụ khiến mối liên kết trong chuỗi dễ bị phá vỡ.
Từ thực tế trên thành phố Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định bền vững, cụ thế:
Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, hiện Thành phố đã ban hành Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/3/2013 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm khai thác một cách tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra lượng sản phẩm lớn, tính đồng đều cao nhằm đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế với thế giới. Theo đó quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây...
Tập trung sản xuất giống, nâng cao năng suất chăn nuôi. Đây là một giải pháp phù hợp với nền Nông nghiệp Thủ Đô do tốc độ đô thị hóa nhanh nên Tp định hướng tập trung sản xuất con giống để cung cấp cho các tỉnh, còn sản xuất lợn thương phẩm sẽ nhập từ các tỉnh lân cận. Để nâng cao năng suất, chất lượng giống lợn thời gian tới tập trung xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lợn theo hình tháp 4 cấp (từ cụ kỵ - ông bà - bố mẹ - thương phẩm); khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo điều kiện nhập khẩu giống lợn cao sản như giống Pitrain kháng Strees, Landrace, Yorshire, Duroc... có năng suất, chất lượng vượt trội từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Đan Mạch vv. Nâng năng suất chăn nuôi lợn nái tính chung trên toàn Thành phố đạt 23-25 con lợn con cai sữa/nái/năm, năng suất chăn nuôi lợn nái tại các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt 26 lợn con cai sữa/nái/năm; nâng tỷ lệ TTNT trên đàn lợn nái đạt khoảng 90%. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi sử dụng các dây truyền chăn nuôi khép kín, hiện đại nhằm nâng cao năng suất chất lượng và tạo tính đồng đều cao sản phẩm từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.
Tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn theo vùng, quy mô lớn ngoài khu dân cư, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là bài học từ thực tiễn sản xuất đã thực hiện trong những năm qua rất thành công. Cụ thể là thực hiện phát triển chăn nuôi theo định hướng, không phát triển tự phát theo trào lưu để hạn chế việc cung vượt quá cầu. Từ đây sẽ thu hút các tổ chức cá nhân có năng lực tập trung đầu tư vào nuôi chăn lợn công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, tập trung về giống, thiết bị chăn nuôi tiên tiến, đuổi kịp với trình độ của các nước chăn nuôi tiên tiến trên thế giới. Hiện tại đã có một số trại áp dụng như rất có hiệu quả như HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Thanh (Ứng Hòa), trại chăn nuôi của Công ty TTHH MTV chăn nuôi Việt Hưng (Sơn Tây), Công ty giống lợn Thái Dương, trại chăn nuôi của ông Khuất Quang Mười (Ba Vì) ...
Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng chăn nuôi sinh học, chăn nuôi hữu cơ, một giải pháp nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng về An toàn thực phẩm. Trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn những trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa ngoài khu dân cư sử dụng thức ăn sinh học và chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Hiện tại các trang trại đang phát triển theo hướng này và đang chăn nuôi theo chuỗi liên kết vẫn phát triển tốt và có hiệu quả. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn), cung cấp cho thị trường trung bình 1,2 tấn thịt/ngày; 24 hộ chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học tại các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín ... cung cấp cho thị trường trên 5 tấn thịt/ngày.
Phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi – giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là thu hút sự tham gia của doanh nghiệp làm đầu mối để phát triển chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu chế biến của các nhà máy chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng. Tập trung khai thác hết công suất các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện nay trên địa bàn Hà Nội (như cơ sở Vinh Anh, Minh Hiền, Fudex, Hapro) nhằm khuyến khích sản xuất thịt mát, thịt cấp đông, thiết lập chuỗi với các kênh phân phối sản phẩm cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào (thức ăn, thuốc thú y…), xây dựng nhãn hiệu nhằm phát triển chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó duy trì, phát triển các chuỗi hiện có với 21 chuỗi liên kết chăn nuôi- tiêu thụ sản phẩm (trong đó có 9 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 02 chuỗi tổng hợp). Các chuỗi liên kết đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.
Đẩy nhanh việc xây thương hiệu và nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm hàng hóa của cơ sở, doanh nghiệp, địa phương, giới thiệu và quảng bá trên thị trường cho người tiêu dùng hiểu biết sản phẩm để sử dụng phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm an toàn yên tâm, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tăng cường thực hiện quản lý giết mổ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Trước xu thế hội nhập và vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, định hướng cho các doanh nghiệp giết mổ chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện Hợp đồng liên kết với cơ sở chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ từ khâu thức ăn - con giống - quy trình chăn nuôi - quy trình giết mổ, sơ chế đóng gói, sản xuất, chế biến các loại sản phẩm từ thịt, thịt mát, thịt cấp đông theo quy chuẩn quốc tế cung cấp cho thị trường. Phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới tiêu thụ hiện đại như cửa hàng tiện ích dần thay thế mạng lưới tiêu thụ truyền thống (bán sản phẩm thịt lợn tươi sống “thịt nóng” trên bàn) chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện tốt hoạt động thanh tra kiểm tra theo chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động giết mổ nhằm tạo niềm tin cho những cơ sở, doanh nghiệp làm tốt. Tạo sự chuyển biến nhanh về nhận thức cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt “mát”, thịt “cấp đông”. Có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận ngay công nghệ sản xuất tiên tiến này, có như vậy sản phẩm thịt lợn mới đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Với các giải pháp nêu trên được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và người sản xuất, người tiêu dùng thì ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn TP Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)