Để chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi; người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Đối với trâu, bò
- Chuồng trại: Chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị mưa tạt, gió lùa làm ẩm, ướt nền chuồng.
- Thức ăn: Bảo quản và dự trữ thức ăn đầy đủ cho trâu, bò, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn hàng ngày. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, Vitamin để cung cấp đủ cho trâu, bò trong những ngày giá rét.
- Dự trữ chất đốt: Củi, trấu, mùn cưa,... để đốt, sưởi cho trâu, bò (đặc biệt trâu bò già, bê, nghé) trong những ngày rét đậm, rét hại.
- Chăm sóc nuôi dưỡng:
+ Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho trâu, bò (đặc biệt trâu, bò già, yếu; bê, nghé) cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp với từng đối tượng để tăng cường phòng chống đói rét và dịch bệnh.
+ Cho trâu bò ăn đủ lượng cỏ, rơm, cây ngô các loại (cỏ xanh, cây ngô hoặc rơm khô, rơm ủ urê,…) với lượng từ 20-30 kg và 2,5 kg thức ăn tinh trong một ngày đêm đối với 01 trâu, bò trọng lượng 220-250 kg.
+ Bổ sung muối ăn với lượng 15g (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước ấm cho trâu, bò uống,…
+ Hạn chế việc chăn thả rông trâu, bò những ngày lạnh, sưởi ấm vào ban đêm (bằng cách đốt củi, trấu, mùn cưa,…); mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn… để giữ ấm cho trâu bò. Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 150C và những ngày có sương muối.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò như: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng,...
- Thường xuyên quét dọn chuồng trại, thu gom phân rác ủ với vôi bột hoặc chế phẩm sinh học để làm phân bón. Định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường.
2. Đối với lợn
- Chuồng trại: che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị mưa tạt, gió lùa làm ẩm, ướt nền chuồng; đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ, tránh phân và nước thải đọng; lợn con, lợn theo mẹ cần làm chuồng úm, sử dụng bóng điện hồng ngoại để sưởi ấm cho lợn.
- Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các Vitamin, khoáng chất, men tiêu hoá. Khẩu phần ăn phải đảm bảo đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng đối với từng giai đoạn phát triển của lợn.
- Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi bằng các loại hoá chất như: Virkon, Benkocid, vôi bột,…
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho lợn: Dịch tả lợn, Tai xanh, Lở mồm long móng,…
3. Đối với gia cầm .
- Chuồng trại: Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa vào chuồng nuôi; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.
- Mật độ nuôi: Tủy từng giống để lựa chọn mật độ nuôi cho phù hợp, ví dụ gà ta mật độ nuôi hợp lý: 1-10 ngày tuổi nhốt 40-50 con/m2, 11-30 ngày tuổi nhốt 20-25 con/m2, 31-45 ngày tuổi nhốt 15-20 con/m2, 46-60 ngày tuổi nhốt 12-15 con/m2, Gà dò 10-15 con/m2, Gà sinh sản 7-8 con/m2…. Nhiệt độ sưởi ấm cho gà: từ 30 -32 độ C dùng cho gà từ 1-3 tuần tuổi, nhiệt độ sẽ được giảm dần theo sức tăng trưởng của gà. Quan sát sự thay đổi của gà để tăng giảm nhiệt độ cho phù hợp. Nếu thấy ở gần nguồn nhiệt là thiếu nhiệt, tản ra xa nguồn nhiệt nằm bẹp há niệng là do nhiệt độ nóng quá. Gà đi lại nhanh nhẹn, ăn uống bình thường là nhiệt độ đã phù hợp. điều chỉnh nhiệt độ bằng cách nâng, hạ bóng hoặc giảm cường độ ánh sáng.
- Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gia cầm; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm các loại Vitamin, khoáng chất, men tiêu hoá để nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh cho gia cầm.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống và thay chất độn chuồng tránh hiện tượng ướt chuồng gây nhiễm khuẩn cho đàn gà. Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi bằng các loại hoá chất như: Benkocid, vôi bột… để diệt mầm bệnh.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đặc biệt là: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, Dịch tả vịt, Viêm gan ngan vịt,…
Ngoài ra, bà con chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do đói, rét, dịch bệnh. Thông báo ngay tới chính quyền địa phương hoặc Ban Thú y xã, thị trấn khi đàn vật nuôi có hiện tượng ốm, chết để được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị và thực hiện phòng, chống dịch kịp thời.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)