Ngành chăn nuôi thành phố Hà Nội hướng đi mới, chủ động trong hội nhập Quốc tế (Phần 2)
IV. Nhiệm vụ phát triển chăn nuôi của Hà Nội trong giai đoạn tới

 1. Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao

Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch vùng, khu chăn nuôi tập trung nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, tăng tính cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại sử dụng các dây truyền chăn nuôi khép kín, hiện đại nhằm nâng cao năng suất chất lượng và tạo tính đồng đều cao sản phẩm từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.

Về quy hoạch phát triển chăn nuôi Hà Nội tập trung thực hiện theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 25/2/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giành đất phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, giao đất thời gian 30 – 50 năm và chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại yên tâm đầu tư lớn vào chăn nuôi.

2. Phát triển sản xuất giống, nâng cao năng suất chăn nuôi.

Năng suất chăn nuôi của Hà Nội nói riêng và Việt Nam còn thấp, cụ thể, với bò sữa sản lượng sữa đạt từ 4.800-5.000 lít/con/chu kỳ; khối lượng thịt bò hơi xuất chuồng là 400-500kg/con, tỷ lệ thịt xẻ từ 48-52%; Với lợn nái, năng suất từ 19 đến 21 con /nái/năm khối lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 87 kg/con, chỉ số tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng từ 2,3-2,8 kg; sản lượng trứng gà là 140 quả/mái/năm, khối lượng thịt gà hơi xuất chuồng 2,23 kg/con, chi phí sản xuất 1 kg thịt gà hơi khoảng 1,6 USD/kg. Trong khi đó, thế giới hiện nay có khối lượng thịt bò hơi xuất chuồng từ 800-1.000 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 60-65%; sản lượng sữa từ 10.000-12.000 lít/kg/chu kỳ; Với gà, sản lượng trứng từ 300 quả/mái/năm; khối lượng thịt hơi xuất chuồng của gà tại Thái Lan 2,45 kg/con; Trung Quốc 2,38 kg/con; Nhật Bản 2,95 kg/con; Chi phí sản xuất thịt gà tại  Malaysia 1,15 USD/ kg; Ấn Độ 1,1 USD/kg; Hàn Quốc 1,34 USD/kg; Thái Lan 1,20 USD/ kg. Với lợn nái các nước như Pháp, Đan Mạch... có năng suất đạt 30-34 con/nái/năm.  Do vậy nhiệm vụ trọng tâm đối với Hà Nội trong thời gian tới cần tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào thực tiễn sản xuất

(1) Phát triển giống lợn

Nguyên nhân cơ bản dẫn tới năng suất giống lợn của ta thấp là do người chăn nuôi chưa đầu tư bộ giống tốt nhất, chủ yếu vẫn nuôi lợn nái lai; các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư chưa đầu tư nguồn lực để nhập ngoại và sở hữu các giống lợn có năng suất, chất lượng cao trực tiếp từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, mà chủ yếu mua giống lợn được lai tạo và sản xuất trong nước lên năng suất chưa vượt trội; các tổ chức, cá nhân còn thiếu sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp để thực hiện đầu tư và ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi vv.

Để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi, sản xuất giống lợn trong thời gian tới cần tập trung xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lợn theo hình tháp 4 cấp từ cụ kỵ-ông bà- bố mẹ- thương phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo điều kiện nhập khẩu giống lợn cao sản như giống Landrace, Yorshire, Duroc... có năng suất, chất lượng vượt trội từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Đan Mạch vv. Đến năm 2020, nâng năng suất chăn nuôi lợn nái tính chung trên toàn Thành phố đạt 23-25 con lợn con cai sữa/nái/năm, năng suất chăn nuôi lợn nái tại các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt 26-28 cai sữa/nái/năm; nâng tỷ lệ TTNT trên đàn lợn nái đạt 90%

(2) Phát triển giống bò

Tập trung lai tạo giống bò nhóm Zebu (bòRed Sindhi, Brahman), sản xuất bò cái nền để lai tạo với các giống bò chuyên thịt Droughmaster, BBB, Angus, bò chuyên sữa, tạo ra các giống bò thịt, bò sữa có năng suất chất lượng cao. Tiếp tục hỗ trợ miễn phí cho người chăn nuôi khi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo sản xuất giống bò.

- Đối với bò sữa: Khuyến khích loại thải bò sữa kém chất lượng, đưa năng suất sữa bình quân 6-8 tấn/bò sữa/chu kỳ. Sử dụng tinh phân ly giới tính, tinh bò sữa chất lượng cao cải tạo nâng cao chất lượng đàn bod sữa hiện nay

- Đối với bò thịt: Sử dụng tinh bò thịt cao sản Droughmater, Brahman, bò BBB (Blanc-Blue-Belgium), Angus...phối trên nền đàn bò cái lai Zebu đưa các giống bò này vào thực tiễn sản xuất

(3) Phát triển giống gia cầm

Cần khuyến khích doanh nghiệp có tiềm năng nhập khẩu các đàn gà, vịt giống bố mẹ chuyên trứng nuôi trong nước, tiến tới chủ động sản xuất gà, vịt nuôi thương phẩm lấy trứng. Do, hiện nay, tiềm năng tiêu thụ trứng còn rất lớn do nước ta mức tiêu thụ trứng còn rất thấp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nước ta, do vậy cần đẩy mạnh hơn phát triển nuôi gà, vịt công nghiệp lấy trứng.

Ngoài ra với tiềm năng lợi thế và hướng sản xuất con giống của thành phố Hà Nội thì cũng cần sưu tầm phát triển các giống bản địa thuần quý như lợn Rừng, lợn Mán, Móng cái, lợn Hương, gà Ri, gà Mía… cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống theo hướng này. 

2. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Đây là nhiệm vụ quan trọng để tác động trở lại nhằm thực hiện tốt hơn hai nhiệm vụ ở trên. Để phát triển chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thì điểm mấu chốt là sự tham gia của doanh nghiệp làm đầu mối để phát triển chuỗi. Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã hình thành nên cơ bản các yếu tố để cấu thành nên chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Nhưng khâu yếu và thiếu nhất đó là doanh nghiệp đầu mối của chuỗi với tư duy cách làm mới, với vai trò là đảm nhiệm khâu giết mổ chế biến thành sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông phục vụ nhu cầu chế biến của các nhà máy chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của con người. Còn các tác nhân còn lại thì có năng lực rất tốt, xong phụ thuộc vào sản xuất chưa có liên kết, mạnh ai nấy làm mà phát triển thiếu ổn định. Cụ thể như; Các tác nhân cung cấp các yếu tố đầu vào cho chăn nuôi như các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống... hiện nay đã rất mạnh nhưng nếu không liên kết với người chăn nuôi hoặc không tổ chức chăn nuôi gia công như một số công ty lớn CP, ĐaBaCo... mà đứng một mình thì cũng sẽ đến lúc không biết bán sản phẩm đi đâu. Tác nhân của chuỗi thứ hai đó là người chăn nuôi cũng sẽ phát triển rất mạnh, nếu như chăn nuôi có lãi ổn định thì việc hiện đại hoá nghành chăn nuôi cũng không phải là chuyện khó. Các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện nay đã được đầu tư trên địa bàn Hà Nội, nhưng hoạt động cũng khó khăn vì mất phương hướng sản phẩm đầu ra. Vẫn tư duy người tiêu dùng có thói quen tiêu dùng thịt nóng mà không kiên trì sản xuất thịt mát, thịt cấp đông để thiết lập chuỗi với các kênh phân phối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích phát triển nhanh, mạnh song chỉ bày bán nhiều các sản phẩm đã qua chế biến, có nhãn mác còn rau và thịt thì số lượng bày bán tại các cửa hàng rất hạn chế vì chủ các cửa hàng tiện ích thường phải tự đi tới các vùng sản xuất tự khai thác hàng về và sơ chế đóng gói mà không có bàn tay của các doanh nghiệp lớn làm đầu mối kết nối các tác nhân vào chuỗi để tổ chức sản xuất chặt chẽ, có sản phẩm an toàn và chịu trách nhiệm nên sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn và quy định của nhà nước. Không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và người tiêu dùng không có cơ sở khoa học để phân biệt đâu là sản phẩm an toàn mà chỉ nhận biết theo cảm tính, là lòng tin. Như vậy tác nhân là người tiêu dùng thì mới chỉ chọn mua sản phẩm ở nơi người bán theo lòng tin cá nhân chứ chưa chọn mua là nơi sản phẩm, là chọn sử dụng nhãn hiệu nào. Nói như vậy là chúng ta đã thấy rất rõ vai trò to lớn của doanh nghiệp khi hình thành chuỗi liên kết. Mà không có doanh nghiệp thì chúng ta không thể có những chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm an toàn cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội được.

Những minh chứng cụ thể cho nhận định trên đã diễn ra ở Hà Nội cho thấy, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong xây  dựng chuỗi. Doanh nghiệp có vai trò kiến tạo, duy trì, phát triển và làm gia tăng giá trị sản phẩm. Cụ thể đối với việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm  và  phát triển thành chuỗi giá trị đã khẳng định vai trò của doanh nghiệp như sau:

(1) Chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, doanh nghiệp đầu tàu là Công ty Cổ phần trang trại Bảo Châu đã xây dựng trang trại để nghiên cứu, thử nghiệm đưa công nghệ chăn nuôi, đệm lót, thức ăn của Nhật Bản vào sản xuất đã cho kết quả tốt, được tổ chức EMRO của Nhật Bản công  nhận sản phẩm thịt lợn đạt tiêu chuẩn hữu cơ; Xây dựng hệ thống giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm khép kín; Hợp tác, xây dựng chuỗi cửa hàng của chuỗi ở các tỉnh để bán, giới thiệu sản phẩm. Đến nay toàn bộ sản phẩm đã có hệ thống mã vạch để nhận diện, truy suất nguồn gốc sản phẩm. Sản lượng của chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu đạt 500 kg/ngày. Hiện nay, Công ty Cổ phần trang trại Bảo Châu đã hợp tác với các tỉnh để xây dựng các trại chăn nuôi vệ tinh như Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai,....

(2) Chuỗi thực phẩm Tiên Viên, do Công ty Cổ phần Tiên Viên là tác nhân chính đã tổ chức liên kết với 12 trại chăn nuôi gà để xây dựng chuỗi và cung cấp cho 50 siêu thị, cửa hàng với sản lượng đạt 75 nghìn quả trứng/ngày. Doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đưa kỹ thuật vào để sản xuất giống gà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để cung cấp giống trong chuỗi và thị trường.

(3) Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm sữa Ba Vì, tác nhân chính là Công ty Cổ phần sữa Quốc tế, đã tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho gần 2.000 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố; Đến nay đã triển khai gắn số tai để quản lý cho trên 10.000 bò sữa và tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho các hộ chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản xuất, quản lý được chất lượng sữa nguyên liệu cho Công ty.

(4) Chuỗi gà đồi Sóc Sơn, được điều hành bởi Hội chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn. Khi xây dựng chuỗi, đã xác định rõ khâu yếu nhất của người chăn nuôi hiện nay là sản xuất không theo kế hoạch, thiếu kỷ luật, chạy theo mùa vụ và tự cạnh tranh với nhau, ít chia sẻ kinh nghiệm. Khi có sản phẩm, ai trả được giá là bán. Bên cạnh đó, không liên kết để tổ chức mua chung các dịch vụ đầu vào nên giá thức ăn, thuốc thú y, con giống còn cao, chưa kiểm soát được chất lượng, tính đồng đều của sản phẩm nhưng khi vào Hội và tham gia chuỗi liên kết, phải thực hiện theo đúng hợp đồng liên kết, tuân thủ theo quy trình chăn nuôi, quy chế hoạt động chung và có sự giám sát lẫn nhau giữa các hộ chăn nuôi. Do đó, buộc nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất.  Với 29 hội viên nòng cốt, Hội tập trung hướng dẫn hội viên quy trình chăn nuôi an toàn một cách thuần thục. Kể từ khi tham gia vào Hội, các hộ chăn nuôi đã làm quen dần với việc sản xuất tập thể. Trong Hội đã hình thành hoạt động “mua chung các dịch vụ đầu vào, bán chung sản phẩm đầu ra theo hợp đồng đã ký kết” từ thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y, con giống. Thực tế hiện nay, hoạt động mua chung đã giảm được 4% chi phí đầu vào đối với thức ăn; chi phí cho vacxin, thuốc thú y giảm trung bình từ 8.000 - 10.000đ/con xuống còn từ 3.000 - 4.000 đ/con. Đối với “đầu ra”, nhờ ký kết được với một số  doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và hệ thống nhà hàng, nên Hội đã giúp hội viên bán với giá cao hơn trung bình từ 10.000 - 15.000 đ/con so với trị trường. Quan trọng hơn, nhờ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, Hội đã kiểm soát được chất lượng sản phẩm, điều chỉnh được kế hoạch sản xuất của các hội viên để đảm bảo chủ động trong sản xuất. Ngoài ra các hộ chăn nuôi còn được hướng dẫn ghi chép sổ sách rõ ràng để hoạch toán lỗ, lãi và dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc khi có trục trặc trong quá trình chăn nuôi….

V. Giải pháp

1. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất lâu dài cho chăn nuôi và thủ tục pháp lý đất chăn nuôi đảm bảo để chủ trại yên tâm đầu tư, lập dự án thu hút vốn đầu tư. Thu hút nhà đầu tư xây dựng tháp giống và áp dụng chăn nuôi công nghệ cao để nâng cao sức cạnh tranh của nghành chăn nuôi.

2. Thứ hai là chúng ta đang thiếu những doanh nghiệp đầu mối của chuỗi để xác lập nên chuỗi hoàn chỉnh, phải bồi dưỡng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư lấp vào khoảng trống hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ. Thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả vùng thành thị và nông thôn.

3. Thứ ba là tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Các doanh nghiệp cũng cần phải tiếp cận ngay công nghệ sản xuất này, hiện nay các sản phẩm thịt mát và thịt cấp đông trên thị trường còn cơ bản sản xuất chưa theo đúng theo quy trình, các Siêu thị vẫn mua thịt tại các lò mổ thủ công về tự pha lóc đóng gói trong khi đó quy trình thịt mát, thịt cấp đông là từ sau khi giết mổ trên dây truyền công nghiệp( mới đảm bảo vệ sinh) theo dây truyền thịt sẽ tự động chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ từ 0°c đến 4°ctrong thời gian từ 8 đến 12 giờ sau đó mới pha lóc đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông.

4. Thứ tư là phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng long tin nữa mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn.

VI. Kiến nghị đề xuất.

Để phát triển chuỗi giá trị một cách hiệu quả, bền vững. Quan điểm của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, ngoài việc  cần thiết phải có những doanh nghiệp đầu tàu của chuỗi để xác lập nên chuỗi liên kết hoàn chỉnh, cần quan tâm vào những vẫn đề sau:

1. Đối với các trại chăn nuôi

- Hỗ trợ, tư vấn các trại chăn nuôi lập dự án đầu tư, các huyện, thị xã tạo điều kiện giao đất dài hạn để các trại yên tâm đầu tư phát triển.

- Tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi (như Quỹ Khuyến nông) hoặc các Ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng liên kết nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sau đầu tư hiện nay.

- Tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hộ chăn nuôi, nhất là kỹ năng lập kế hoạch sản xuất theo nhóm hộ chăn nuôi. Được tiếp cận thông tin về tình hình thị trường, nhu cầu người tiêu dùng hiện nay.

- Tăng cường quản lý nhà nước và thường xuyên lấy mẫu phân tích thức ăn chăn nuôi, nguồn nước, kiểm tra giám sát thực tế áp dụng quy trình sản xuất an toàn.

- Có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi.

- Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển liên kết người chăn nuôi thành tổ hội, nhóm hợp tác nhằm tổ chức lại sản xuất theo quy mô, quy trình chăn nuôi chung, tổ chức hoạt động mua chung – bán chung nhằm giảm chi phí sản xuất, đồng nhất chất lượng sản phẩm. Đồng thời tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong mối liên kết doanh nghiệpvới người chăn nuôi và ngược lại.

2. Đối với cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm

-  Kết nối các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trực tiếp ký hợp đồng với các trại chăn nuôi nhằm giảm khâu trung gian. Mặt khác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm này là cơ sở để các hộ chăn nuôi tiếp cận Ngân hàng được thuận lợi hơn.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và vận chuyển sản phẩm động vật khi lưu thông trên thị trường.

- Khuyến khích các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có hệ thống bảo quản lạnh, cấp đông cho sản phẩm sau giết mổ. Liên kết với các cơ sở chế biến để chế biến các sản phẩm từ thịt lợn (như giò lụa, giò xào, pate, xúc xích,...) nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm.

- Có chính sách hỗ trợ phương tiện vận chuyển chuyên dùng.

- Hỗ trợ trong công tác kết nối các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể.

3. Đối với khâu tiêu thụ sản phẩm

- Có chính sách đặc thù để các cửa hàng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng.

- Tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, thịt cấp đông.

- Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra đối với các hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt và các sản phẩm gia súc, gia cầm trên thị trường, nhất là các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ dân sinh; Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích. Phát triển cửa hàng tiện ích sẽ giúp quản lý được chất lượng sản phẩm, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiện lợi khi mua sắm. Với việc tiếp cận thông tin dễ dàng, người tiêu dùng hiện nay đã rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm chăn nuôi, có nhu cầu mua sắm sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, đóng gói hoàn chỉnh. Do đó, thói quen tiêu dùng trong tương lai là mua sắm ở các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống sẽ dần thu hẹp. Nếu tạo được thói quen mua sắm này, các cơ quan quản lý không chỉ quản lý dễ dàng chất lượng sản phẩm đảm bảo ATTP mà còn có được nguồn thu lớn thuế GTGT từ các hệ thống cửa hàng tiện ích, nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm mà hiện nay mới chỉ có các siêu thị mới làm được.

- Phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin nữa mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sản phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi – truy xuất được nguồn gốc”. Để được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này, các đơn vị quản lý chuỗi phải tuân thủ các quy trình chăn nuôi an toàn, có hợp đồng liên kết chuỗi, đầy đủ các giấy tờ pháp lý như vệ sinh thú y, ATTP, có công bố chất lượng sản phẩm và phải có quy trình truy xuất nguồn gốc như nhật ký ghi chép, lưu mẫu,mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đây sẽ là một trong những giải pháp giúp các chuỗi có thể quản lý chất lượng sản phẩm và đưa các sản phẩm an toàn ra ngoài thị trường. Với quy chế cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Trung tâm thì Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và có cơ sở khoa học để nhận biết đâu là thực phẩm an toàn./.

Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9082
Tổng lượng truy cập: 28255973