Nuôi gà quy mô nông hộ
Một số dịch bệnh truyền nhiễm như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả trên heo/trâu bò và cúm gia cầm thường xuyên đe dọa đàn vật nuôi. Thep pháp lệnh về thú y, đây là các bệnh bắt buộc người chăn nuôi phải tiêm phòng (trừ tai xanh). Tuy nhiên, Nhà nước vẫn chưa bắt buộc do ý thức của người chăn nuôi, nhỏ lẻ còn thấp, do vậy dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Nhà nước phải bao cấp vacxin và công tiêm phòng cho bệnh tai xanh, dịch tả và cúm gia cầm. Còn đối với bệnh lở mồm long móng trên heo, bò do không bao cấp vacxin nên đã bùng phát dịch lớn năm 2011. Đến nay chỉ có các ổ dịch nhỏ, rải rác, nhưng nguy cơ bùng phát là rất lớn.
Câu hỏi cần đặt ra là dịch bệnh nguy hiểm thì luôn phát triển theo hướng xuất hiện các bệnh mới, liệu ngân sách có thể chi hoài khi xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm? Mặc dù đã hỗ trợ các biện pháp phòng chống bệnh nhưng đàn gia súc, gia cầm vẫn không tránh được nguy cơ nổ ra dịch bệnh khác. Và nếu chi miễn phí cho tất cả các bệnh thì có đảm bảo được lợi nhuận do ngành chăn nuôi tạo ra hay không, vì lợi nhuận do chăn nuôi nhỏ lẻ tạo ra thì ít, trong khi nhà nước phải chi ngân sách cho tiêm phòng (tiền vacxin, công tiêm và chi phí quản lý) thì nhiều.
Mặt khác chi như vậy là không công bằng với người tiêu dùng, vì thực tế người tiêu dùng phải mua sản phẩm động vật với giá rất cao do vừa phải mua sản phẩm động vật với giá thị trường, vừa phải đóng thuế để tạo ngân sách để có thể chi cho phí tiêm phòng miễn phí. Do vậy có thể nói biện pháp tiêm phòng miễn phí hiện nay là không khả thi.
Theo sự hiểu biết của tôi thì vẫn có phương pháp không phải tiêm phòng mà dịch bệnh vẫn không thể bùng phát trong đàn gia súc, gia cầm nuôi nhỏ lẻ. Điều này không phải tiêu tốn ngân sách, mà nếu có tiêu tốn thì chỉ tốn rất ít mà thôi.
Tôi xin trình bày cách thức như sau:
I/ Nguyên lý bùng phát dịch bệnh và thực tế các đợt dịch
1/ Tìm hiểu nguyên lý của bùng phát dịch bệnh động vật
a/ Giải thích từ ngữ của Pháp lệnh Thú y
Dịch bệnh động vật là một bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc Danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật làm động vật mắc bệnh, chết nhiều hoặc làm lây lan trong một hoặc nhiều vùng.
Ổ dịch động vật là nơi đang có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc Danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật.
Vùng có dịch là vùng có nhiều ổ dịch đã được cơ quan thú y có thẩm quyền xác định.
b/ Nguyên lý
Theo giải thích tại Pháp lệnh Thú y, có thể hiểu sự bùng phát dịch bệnh (dịch bệnh động vật) trên gia súc, gia cầm là việc xuất hiện ổ dịch mang bệnh truyền nhiễm và ổ dịch đó làm lây lan qua các đàn gia súc, gia cầm khác, tạo ra một hoặc nhiều vùng có dịch.
Như vậy cũng có thể hiểu sự bùng phát dịch bệnh động vật chỉ có thể xảy ra khi đáp ứng được 2 điều kiện: Có ổ dịch mang bệnh truyền nhiễm và ổ dịch đó phải lây lan thành nhiều ổ dịch khác (thành 1 hoặc nhiều vùng có dịch).
Qua nhiều năm công tác trong ngành thú y, là người thường xuyên trực tiếp xử lý các lò mổ lậu và dập dịch, tôi nhận thấy rằng: Ở thời kỳ đầu của các đợt dịch, do ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi còn thấp, nên khi thấy đàn heo của mình chữa không được mà còn trở nặng, họ không báo với chính quyền địa phương mà thường là bán đổ, bán tháo cho các lò mổ lậu (mới dám mua).
Vì vậy tại thời kỳ này kiểm tra các lò mổ lậu thường phát hiện rất nhiều heo bệnh và cuộc đời của những con heo này sẽ được kết thúc bằng 1,2, 3 hoặc 4 con đường: Vận chuyển, giết mổ, buôn bán như heo không mắc bệnh, vì thế dịch bệnh có điều kiện phát tán. Đến khi chết nhiều quá không bán được thì người chăn nuôi vứt đầy ra môi trường (rừng, sông, suối, ven đường…) làm ô nhiễm môi trường. Với gia cầm cũng vậy. Và cuối cùng là sự bùng phát dịch bệnh.
Từ những phân tích, giải thích như trên có thể suy luận: Dịch bệnh chỉ có thể xảy ra (bùng phát) khi và chỉ khi đáp ứng được 2 điều kiện: Một là, có động vật mắc bệnh truyền nhiễm. Hai là, động vật mắc bệnh đó phải được vận chuyển, giết mổ, buôn bán hoặc bị vứt ra môi trường sống làm ô nhiễm môi trường. Vì vậy muốn dịch bệnh không xảy ra, cách đơn giản nhất là chỉ cần cắt đứt điều kiện thứ hai là được.
Trong đó các điều kiện được hiểu là:
- Ở điều kiện 1: Sự xuất hiện ổ dịch thường là do có sự trỗi dậy của virus ở ổ dịch cũ, hoặc gia súc gia cầm bệnh (hoặc nhiễm bệnh) ở nơi khác được mang tới
- Ở điều kiện 2: Thực tế cho thấy, sự lây lan từ 1 ổ dịch để tạo thành nhiều ổ dịch thì chỉ và buộc phải qua 1 (hoặc nhiều hơn) trong 4 con đường: Vận chuyển, giết mổ, buôn bán hoặc làm ô nhiễm môi trường.
Sự lây lan qua 4 con đường được hiểu như sau:
Vận chuyển: Nếu một xe có chuyên chở một lô heo bệnh đi từ điểm A đến điểm B, thì các hộ chăn nuôi nằm trên đường đi của xe heo bệnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Hoặc chiếc xe này sau đó chở nhiều lô heo khác thì các lô heo này sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao do phương thức truyền lây của dịch bệnh…
Giết mổ: Trong một lò giết mổ (chủ yếu là lò lậu) nếu giết mổ một con heo bệnh thì sự lây lan dịch bệnh sẽ rất cao do chất thải giết mổ sẽ đi ra cống, rãnh, sông suối làm lây lan dịch bệnh.
Buôn bán: Việc mua một lô heo bệnh hoặc nhiễm bệnh về trại sẽ làm lây lan cho các con khác. Việc mua nhầm sản phẩm từ heo bệnh như thịt, lòng, xương nếu người tiêu dùng mua về sử dụng cũng sẽ làm lây bệnh cho heo nhà qua phương thức truyền lây vì khi mua về phải tiếp xúc với miếng thịt để rửa và sau đó chăm sóc cho đàn heo. Việc cầm nắm và nước rửa thịt sẽ làm đàn heo nhiễm bệnh.
Ô nhiễm môi trường: Gia súc, gia cầm bệnh chết bị vứt vào rừng sẽ bị chuột, chim đến ăn rồi sau đó di chuyển vào các trang trại làm lây lan dịch bệnh. Nếu bị vứt ra sông, suối thì dịch bệnh sẽ được hòa vào nước đến các trang trại có tiếp xúc với nước đó và gây bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn đậm đặc ở một khu vực sẽ làm phát tán (do gió) để lây lan dịch bệnh.
II/ Phương pháp phòng dịch bệnh hiệu quả
1/ Phương pháp
Người dân phải tự tiêm phòng vacxin bắt buộc các bệnh theo quy định và các bệnh có nguy cơ cao để thực hiện nghĩa vụ pháp luật và tự bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình. Nhà nước tuyên truyền, vận động tiêm phòng, xử phạt và thực hiện các công tác hỗ trợ giám sát dịch bệnh.
2/ Hiệu quả
Trên thực tế dịch bệnh vẫn thường xuyên bùng phát. Nguyên nhân do ý thức của người chăn nuôi nhỏ lẻ còn thấp nên không ai tự tiêm phòng. Còn chính quyền địa phương thì do nhiều lý do như người ít việc nhiều, trình độ cán bộ chưa chuẩn hóa, và đặc biệt chưa có hình thức khen thưởng hay kỷ luật đối với người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Vì thế chưa có địa phương nào thực sự quan tâm đến công tác tiêm phòng. Mặc dù là chủ trì nhưng chưa tự tổ chức được công tác tiêm phòng, chưa tổ chức được công tác xử phạt đối với hành vi không tham gia tiêm phòng để nâng cao ý thức cho người chăn nuôi. Trong khi đó thì các lò mổ lậu được coi như là các ổ dịch thì không dẹp được.
Và khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, lúc này do nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ (vì chưa công bố dịch), nên để bảo vệ kinh tế của mình, người chăn nuôi sẽ nhanh chóng tìm mối (mà chủ yếu là các lò mổ lậu mới dám mua) để bán bằng mọi giá với suy nghĩ “được chút nào hay chút đó, để có tiền trang trải phần nào”.
Sau đó các lò mổ lậu sẽ vận chuyển, giết mổ những con heo đó để buôn bán, vì vậy dịch bệnh có thời cơ lây lan phát tán từ từ. Một thời gian sau do lượng gia súc, gia cầm chết nhiều, lò mổ lậu không mua xuể thì cách đơn giản nhất là người chăn nuôi sẽ vứt ra rừng tràm, rừng cao su, sông, suối, vệ đường... Và thế là dịch bệnh bùng phát do các phương thức truyền lây.
So với nguyên lý bùng phát dịch bệnh thì phương pháp phòng dịch bệnh động vật hiện nay là đúng, nhưng với tình hình thực tế, ý thức của người dân và cả chính quyền địa phương còn thấp thì phương pháp này là chưa hợp lý, vì thực tế trong môi trường, 2 điều kiện luôn tồn tại (ổ dịch xuất hiện do sự trỗi dậy ở ổ dịch cũ hoặc đươc mang từ nơi khác đến, đồng nghĩa với điều kiện 1 luôn tồn tại. Việc để người dân bán heo bệnh cho lò mổ lậu đồng nghĩa với sự tồn tại điều kiện thứ 2).
Vì vậy dịch bệnh xảy ra là điều không tránh khỏi và là điều tất yếu khách quan. Nó chỉ hợp lý khi ý thức của người chăn nuôi và chính quyền địa phương cao, khi đó điều kiện 2 bị cắt đứt, nên dịch bệnh không thể bùng phát.
III/ Phương pháp chống dịch bệnh hiệu quả
1/ Phương pháp
Công bố dịch, cho tiêm vacxin miễn phí vào vùng dịch, vùng đệm, cộng với tiêu hủy có hỗ trợ những con bị bệnh nặng và chết.
2/ Hiệu quả
Thông thường chỉ một thời gian ngắn là cơ bản khống chế được dịch bệnh, do cắt đứt được điều kiện 2. Cắt đứt như thế nào? So với nguyên lý của bùng phát dịch bệnh, phương pháp chống dịch bệnh là hoàn toàn đúng và hợp lý. Việc tiêm phòng để cứu được những con còn khỏe và việc chôn lấp toàn bộ những con yếu và chết, không để ô nhiễm môi trường sẽ dập tắt được ổ dịch vì việc này đồng nghĩa với việc cắt đứt điều kiện 2.
Như vậy có thể nói là phương pháp chống dịch mang lại hiệu quả. Tuy nhiên nếu để dịch xảy ra và thực hiện phương pháp chống dịch thì sẽ rất tốn kém và để lại hậu quả khó lường do virus vẫn còn đào thải 1 thời gian dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Ngoài ra khi thực hiện phương pháp chống dịch sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khác trong xã hội do phải huy động cùng lúc một lượng lớn nhân lực.
IV/ Tìm phương pháp phòng bệnh hiệu quả hơn
1/ Phương pháp mới
Như đã phân tích, chứng minh thì dịch bệnh có thể bùng phát hay không là do nguyên lý của nó. Nguyên lý bùng phát dịch bệnh là: Dịch bệnh chỉ có thể xảy ra (bùng phát) khi và chỉ khi đáp ứng được 2 điều kiện: Có động vật mắc bệnh truyền nhiễm (1) và động vật mắc bệnh đó phải được vận chuyển, giết mổ, buôn bán hoặc bị vứt ra môi trường sống làm ô nhiễm môi trường (2). Vì vậy muốn dịch bệnh không xảy ra, cách đơn giản nhất là chỉ cần cắt đứt điều kiện thứ 2.
Nhưng muốn gia súc, gia cầm bị bệnh truyền nhiễm không được vận chuyển, giết mổ, buôn bán hoặc làm ô nhiễm môi trường thì phải làm sao, trong khi gia súc, gia cầm cũng là một loại hàng hoá, cũng có thị trường và vận hành theo cơ chế thị trường?
Xem lại nguyên nhân, diễn tiến của 1 đợt dịch. Tại thời điểm mới xuất hiện ổ dịch đầu tiên, người chăn nuôi do sợ mất hết, do vậy phải tìm mối bán đổ bán tháo cho lò mổ lậu để có thể lấy lại phần nào, do vậy dịch bệnh có đủ điều kiện để bùng phát. Đặt câu hỏi nếu tại thời điểm này nhà nước hỗ trợ tiêu hủy với giá cả phù hợp thì người chăn nuôi có bán đổ bán tháo cho lò mổ lậu không?
Câu trả lời sẽ là không, bởi với tâm lý chung “được giá là bán”, do vậy người chăn nuôi sẽ không bán cho lò mổ lậu, mà ngược lại rất vui lòng giao đàn gia súc gia cầm của mình cho chính quyền địa phương, đàn gia súc gia cầm vì thế sẽ được tiêu hủy một cách bài bản. Và điều kiện thứ 2 bị cắt đứt, dịch bệnh vì thế mà bị dập tắt ngay tự khi mới nhen nhóm.
Do vậy phương pháp phòng bệnh mới cho chăn nuôi nhỏ lẻ được đề nghị là:
- Kết hợp phòng và chống cho phương pháp phòng dịch bệnh động vật trong quản lý nhà nước. Để nâng cao ý thức của người chăn nuôi, vẫn duy trì nguyên tắc người chăn nuôi phải tự tiêm phòng vacxin bắt buộc các bệnh theo quy định và các bệnh có nguy cơ cao để thực hiện nghĩa vụ pháp luật và tự bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình. Còn nhà nước thì tuyên truyền, vận động tiêm phòng và xử phạt. Tuy nhiên thực hiện thêm việc tiêu hủy có hỗ trợ ngay khi phát hiện ổ dịch mang bệnh truyền nhiễm đầu tiên mà không cần chờ công bố dịch.
So với nguyên lý bùng phát dịch bệnh, phương pháp này sẽ cắt đứt tức thì điều kiện thứ 2, có nghĩa là động vật mắc bệnh của ổ dịch (nếu có) sẽ không được vận chuyển để giết mổ, buôn bán hoặc bị vứt ra môi trường làm ô nhiễm môi trường, mà sẽ được vận chuyển một cách bài bản để mang đi tiêu hủy. Vì vậy mà dịch bệnh không thể bùng phát, không thể nổ ra.
2/ Lợi ích của phương pháp
- Tiết kiệm 5 - 6 tỷ đồng/huyện/năm do không phải tiêm phòng miễn phí. Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm nếu thực hiện trên cả nước.
- Việc tiêu hủy heo bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nếu được thực hiện trong huyện, trong tỉnh thì lâu lâu mới có ổ dịch do sự trỗi dậy của dịch bệnh hoặc được mang từ tỉnh khác tới. Nhưng nếu thực hiện trên cả nước thì không lâu sau Việt Nam là một nước hoàn toàn sạch bệnh dịch động vật, vì dịch bệnh sẽ không được mang từ nơi này đến nơi khác nữa mà nếu có sẽ chỉ là sự trỗi dậy của dịch bệnh và sẽ bị tiêu hủy tức thì, đến một lúc nào đó sẽ không còn sự trỗi dậy của dịch bệnh nữa vì môi trường đã sạch bệnh.
- Không còn trường hợp nào chứa động vật mắc bệnh đi tiêu thụ ở các thành phố lớn, không còn việc gia súc gia cầm bệnh đi vào chợ, bữa cơm cho sinh viên và công nhân nữa.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)