Sớm chấm dứt việc vận chuyển gà nhập lậu vào tiêu thụ tại Hà Nội
Chiều 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc chấm dứt vận chuyển gà nhập lậu về tiêu thụ tại Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và thành phố.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu người. Hàng năm, tiêu thụ gần 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm; bình quân 564 tấn/ngày, trong đó, thịt gia súc khoảng 428 tấn/ngày, thịt gia cầm 120 tấn/ngày. Để đáp ứng được nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm nêu trên, các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung đảm nhiệm được 4,9%, các cơ sở giết mổ thủ công tập trung đảm nhiệm 4,3%, còn lại là thịt gia cầm từ các địa phương khác chuyển về và nhập khẩu đảm nhiệm 47,6% nhu cầu. So với các tỉnh lân cận, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ gia cầm mổ sẵn.

Trong những tháng đầu năm 2012, việc nhập lậu gia cầm (gà thải loại không rõ nguồn gốc) đã có những diễn biến phức tạp, chỉ tính riêng chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín, Hà Nội) hàng ngày có khoảng 60 đến 80 tấn gà/ngày, trong đó, gà nhập lậu có từ 14 đến 24 tấn/ngày được đưa về tiêu thụ. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, do được kiểm soát chặt chẽ nên lượng gà nhập lậu về chợ chỉ còn khoảng 2 đến 3 tấn/ngày.
 
Theo báo cáo của huyện Thường Tín, hiện chợ gia cầm Hà Vĩ có 162 kiốt với 146 hộ kinh doanh, nhưng chỉ có 50 hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký; trong đó, có 16 hộ kinh doanh gia cầm là đầu nậu. Theo điều tra, hiện có khoảng 11 đường dây vận chuyển gia cầm nhập lậu từ các tuyến biên giới phía Bắc đưa vào địa bàn Hà nội tiêu thụ. Những đường dây này ngoài việc nhập gà thải loại còn nhập lậu gà giống và trứng sắp nở để tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là huyện Phú Xuyên nơi cung cấp giống gia cầm lớn nhất thành phố. Mặc dù, đã được các ngành chức năng kiểm tra quyết liệt nhưng vẫn còn 40% số lượng giống gia cầm nhập lậu chưa kiểm soát được. Tình trạng này gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
 
Để đối phó với các lực lượng chức năng, dân buôn lậu chuyên chở gia cầm chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng; thường xuyên theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, thay đổi thời gian, địa điểm tập kết hàng; sử dụng nhiều biển số giả trên một cung đường, tìm cách thay đổi lịch trình, ém hàng, nếu thấy lực lượng kiểm tra, thậm chí huy động lực lượng hỗ trợ tẩu tán hàng.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu, trong thời gian qua, các ngành đã vào cuộc quyết liệt. Công an thành phố Hà Nội cũng đã thành lập lực lượng riêng liên tục kiểm tra việc vận chuyển gia cầm nhập lậu. Với sự kiên quyết xử lý của các lực lượng chức năng tại chợ Hà Vĩ, đến nay,  về cơ bản đã không còn tình trạng buôn bán gà nhập lậu. Tới đây, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cần kiên quyết tạm giữ phương tiện vận chuyển trong thời gian dài, thậm chí tịch thu phương tiện nếu vi phạm nhiều lần. Phó Chủ tịch đề nghị chủ tịch huyện, các xã, trưởng ban quản lý chợ Hà Vĩ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xuất hiện gà nhập lậu tại chợ Hà Vĩ.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các lực lượng chức năng của thành phố cần chú trọng thông tin tuyên truyền cho người dân về tác hại của gà thải loại, nhập lậu đối với sức khỏe. Kiểm soát cung bằng biện pháp mạnh, ngăn chặn từ biên giới, thành lập chốt chặn, bắt giữ và xử phạt mạnh theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, kiểm soát, tiêu hủy sẽ lấy ngành Công thương làm lực lượng chủ đạo trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng. Lực lượng thú y chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tại các địa điểm tiêu  thụ, chăn nuôi gia cầm. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch đề xuất Chính phủ cần đưa ra cơ sở pháp lý để tiêu hủy hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người. Kiến nghị Chính phủ phải chỉ đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đẩy mạnh việc chống vận chuyển gia cầm lậu qua địa phương, hoạt động này không chỉ hỗ trợ Hà Nội trong việc chống gia cầm nhập lậu, mà còn hỗ trợ nuôi trồng, chăn nuôi của địa phương phát triển.
 
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao quyết tâm kịp thời và đúng hướng của thành phố Hà Nội trong việc ngăn chặn, đẩy lùi gà nhập lậu. Phó thủ tướng cho rằng đây là một hình thức gian lận thương mại, làm thất thu thuế, phá hoại sản xuất trong nước. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương thông qua đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài làm rõ nguồn gốc, chất lượng gia cầm, sản phẩm gia cầm, xem xét gia cầm có được sử dụng tại thị trường trong nước đó hay không (làm rõ trước 15/12). Đề nghị Hà Nội chú trọng công tác tuyên truyền về tác hại, nguy cơ đối với loại gia cầm; vận động người dân không sử dụng gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Hà Nội lập danh sách những hiện tượng, trường hợp vi phạm từ đó  có biện pháp ngăn chặn. Thành phố Hà Nội phải phấn đấu giảm ít nhất 70% lượng hàng nhập lậu tiêu thụ trên địa bàn. Phải có phương án đấu tranh quyết liệt với 11 đường dây buôn lậu lớn mà Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, kiên quyết tiêu hủy gà nhập lậu. Hưng Yên, Hà Nội cần đẩy mạnh phối hợp kiểm soát hàng lậu thông qua đường thủy. 
 

 admin   UBND Thành phố Hà Nội


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1942
Tổng lượng truy cập: 22324563