Chủ động phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản trong vụ Đông Xuân 2012-2013
Những năm gần đây, thời tiết vụ Đông xuân diễn biến phức tạp thường có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đồng thời trong giai đoạn chuyển từ mùa thu sang mùa đông, từ mùa đông sang mùa xuân, cá chưa kịp thích nghi dẫn đến sức đề kháng kém, dễ bị dịch bệnh... gây ảnh hưởng và thiệt hại cho sản xuất.

Năm nay đợt rét đầu tiên đã diễn ra sớm, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về nuôi trồng thủy sản có thể xảy ra trong vụ Đông Xuân 2012-2013, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị:

1. UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh cho thủy sản:
- Thông tin, hướng dẫn cho người nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh cho thủy sản.
Nếu các ao nuôi không đủ điều kiện nuôi giữ cá trong vụ đông phải thu hoạch cá, tôm đạt kích cỡ thương phẩm trước ngày 15/12, đặc biệt đối với các đối tượng chịu rét kém như tôm càng xanh, cá chim trắng, cá rô phi...
Đối với các ao nuôi giữ cá trong vụ đông phải thực hiện các biện pháp:
+ Chuẩn bị ao đáp ứng yêu cầu của từng hình thức nuôi giữ cá trong vụ đông và vôi bột, chế phẩm sinh học ổn định môi trường, lưới...
+ Mật độ nuôi hợp lý đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không nuôi dày để đảm bảo môi trường nước, hàm lượng oxy hòa tan. Giống thả mới hoặc bổ sung phải đảm bảo chất lượng của những cơ sở có uy tín, được kiểm dịch và trước khi thả nuôi tắm bằng nước muối ăn liều lượng 2-4g/l trong thời gian 2-4 phút.
+ Luôn giữ nước ao nuôi ở mức cao nhất, tối thiểu phải đạt 1,5 m. Định kỳ 1-2 lần/tháng xử lý môi trường ao nuôi bằng vôi bột hòa nước té đều khắp ao với lượng 1,0-2kg/100m3 nước ao, nếu có điều kiện sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thường xuyên theo dõi môi trường để chủ động bổ sung, thay nước khi có yêu cầu, nguồn nước cấp phải sạch, không bị ô nhiễm. Mặt ao thả bèo tây khoảng 1/2-2/3 diện tích về phía bắc để chắn gió; nếu có điều kiện để giàn che phủ cho ao nuôi bằng nilông trắng. Không để nước thải, chất thải, phân... xuống ao tránh gây ô nhiễm môi trường và mầm bệnh cho đàn cá nuôi.
+ Cho cá ăn đầy đủ đảm bảo số lượng, chất lượng, thức ăn không bị ôi thiu, mốc và quá hạn sử dụng; định kỳ hàng tháng bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng của cá với dịch bệnh và thời tiết lạnh với liều lượng 30-40/100kg thức ăn, trong thời gian 7 ngày liên tục. Tranh thủ khi thời tiết nắng ấm trên 18 độ C cho cá ăn, những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C ngừng cho cá ăn; dọn sạch cỏ rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn.
+ Hạn chế đánh bắt, kéo lưới kiểm tra; những ngày nhiệt độ xuống thấp không đánh bắt, kéo lưới để tránh gây thương tổn cho cá nuôi trong ao.
Khi cá có hiện tượng bị bệnh hoặc bị chết phải báo cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn xử lý. Nếu cá bị bệnh cần cách ly sớm để chữa trị, tránh lây lan ra đàn cá trong ao. Cá bị chết phải vớt lên kịp thời, xử lý khử trùng để hạn chế nguồn lây bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Trong trường hợp cá bị chết do rét đậm, rét hại kéo dài hoặc bị bệnh phải kịp thời thực hiện các thủ tục đánh giá chính xác thiệt hại để làm cơ sở đề xuất phương án xử lý.
- Đối với thời vụ nuôi cá năm 2013: Chỉ thực hiện thả nuôi cá từ tháng 3 khi thời tiết ấm, ao, hồ đã được chuẩn bị kỹ và có cá giống đảm bảo chất lượng.

2. Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho thủy sản.

 - Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho người nuôi thủy sản các biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh và phục hồi sản xuất sau thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.

- Chi cục Thủy sản Hà Nội:
+ Phân công cán bộ theo dõi địa bàn, giám sát chặt chẽ môi trường và dịch bệnh thủy sản, đặc biệt đối với các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Tổ chức cấp phát hóa chất, chế phẩm sinh học, xử lý môi trường theo đúng quy định và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra không để lan rộng.
+ Tăng cường kiểm tra sản xuất, kinh doanh để đảm bảo chất lượng giống, hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường cung ứng cho sản xuất.
+ Thường xuyên nắm bắt tình hình, tổng hợp báo cáo, đề xuất kịp thời với Sở về các công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản.
- Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội:
+ Tổ chức sản xuất và cung ứng giống kịp thời cho sản xuất của thành phố khi có yêu cầu.
+ Có phương án cung ứng đàn cá bố mẹ, cá giống để phục hồi nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài./.
 

 Nguyễn Văn Hữu   Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 993
Tổng lượng truy cập: 25344896