Ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cả nước có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Tính đến ngày 28/2, cả nước đã xảy ra 50 xã có dịch thuộc 36 huyện tại 18 tỉnh, làm chết và tiêu hủy 4.494 con lợn và còn 10 tỉnh đang có dịch chưa qua 21 ngày. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn trên thị trường, đẩy giá lợn hơi tăng cao, có nguy cơ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước.
Nhằm chủ động kiểm soát kịp thời, có hiệu quả, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan diện rộng trên địa bàn Thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt tại các địa bàn chăn nuôi có tổng đàn lợn lớn, các khu vực là ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ; kịp thời thông tin, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp chậm báo cáo hoặc không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn, kịp thời tổ chức khoanh vùng khống chế, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, huy động các nguồn lực địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan; thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Vệ sinh quét dọn thu gom chất thải, rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng; cọ rửa, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp, nếu sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt mầm bệnh trong thức ăn, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vắc xin Dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng cho đàn lợn thịt theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn, bảo đảm chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi thuộc đối tượng kê khai mà không chấp hành kê khai và không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch sẽ không được hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế trên địa bàn, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên, tham mưu kịp thời các biện pháp kỹ thuật phù hợp để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y; phối hợp các ngành liên quan tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
Song song đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, đồng thời báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)