Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Bá Phi đã thuê thầu diện tích canh tác nông nghiệp ở xứ đồng thôn An Thượng (xã Thượng Vực) để nuôi trồng thuỷ sản. Ít lâu sau, nhận thấy tiềm năng lớn từ con ếch, ông chuyển sang nuôi với quy mô lớn.
Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu bắt tay vào nuôi ếch, ông Phi gặp phải không ít khó khăn. Nguồn vốn đầu tư ban đầu cho nuôi ếch lớn, cùng với đó là những hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh dịch trên đàn ếch còn rất hạn chế.
Với quyết tâm cao, ông đã dành toàn bộ số tiền tích góp sau nhiều năm lao động để cải tạo ao đầm, xây dựng hệ thống trang trại nuôi ếch. Bản thân ông cũng lặn lội nhiều chuyến vào các địa phương miền Nam để học hỏi kiến thức sản xuất thực tế.
Tự học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm từ thực tiễn, đến nay, ông Phi tự tin bản thân có đủ kiến thức để làm chủ kỹ thuật nuôi ếch giống, ếch thương phẩm. Quy mô trang trại nuôi ếch của ông Phi ngày một mở rộng, hiện đã lên gần 3 mẫu.
Theo ông Phi, việc chủ động được nguồn cung con giống là một lợi thế. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bệnh dịch động vật nói chung, trên đàn ếch nói riêng được ông Phi đặc biệt chú trọng, thực hiện tốt. Nhờ đó, những ảnh hưởng đến đàn ếch được kiểm soát hiệu quả.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, ông Phi nuôi 3 lứa ếch, mỗi lứa kéo dài hơn 2 tháng. Mỗi lứa ếch cung ứng cho thị trường từ 20 - 30 tấn ếch thương phẩm và hàng triệu con ếch giống.
“Ếch nuôi đến 1,3 - 1,4kg/con là xuất bán được. Giá bán hiện nay khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, mỗi lứa gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng.…” - ông Phi chia sẻ thêm.
Điều đáng mừng, theo ông Phi, là sản phẩm của trang trại hiện nay không lo đầu ra. Trải qua gần 20 năm, ông đã xây dựng được kênh tiêu thụ ếch thương phẩm và con giống ếch ổn định. Ngoài Hà Nội là thị trường tiêu thụ chủ yếu, ông Phi còn cung ứng cho các trang trại trên nhiều tỉnh thành của cả nước.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Phi cho biết chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp cơ sở hạ tầng sản xuất trên địa bàn xã Thượng Vực nói riêng được nâng cấp ngày một đồng bộ. Điều này giúp tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hoá để trang trại có điều kiện phát triển.
Chủ tịch UBND xã Thượng Vực Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, ông Phi là một trong những điển hình nông dân tích cực sản xuất - kinh doanh trên địa bàn xã nói riêng và huyện Chương Mỹ nói chung. Mô hình nuôi ếch của gia đình ông được nhiều người đến tham qua, học tập kinh nghiệm.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ để các mô hình kinh tế trang trại, trong đó có hộ ông Phi có điều kiện sản xuất tốt nhất. UBND xã cũng sẽ nghiên cứu để triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nhằm đa dạng hoá sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)