Nan giải bài toán dịch bệnh và chi phí sản xuất
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát; số ổ dịch tăng 3,02 lần, số lợn bị chết, tiêu hủy tăng 3,87 lần; chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng... đang là những khó khăn, thách thức cho ngành chăn nuôi.

Thời gian qua, tình hình chăn nuôi lợn trên cả nước tăng trưởng mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi, hình thành vùng trang trại quy mô lớn.

Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi lợn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh, chi phí giá thành chăn nuôi luôn cao hơn so với các nước…

Đây là những nội dung được thảo luận trong hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 14-8.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, chăn nuôi lợn thời gian qua tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so cùng thời điểm năm 2023. Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây là: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai...

Chăn nuôi lợn chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. “Trong chăn nuôi lợn, xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như: Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát... và nước ngoài như: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill... đang xây dựng, từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi… Những kết quả đó đã đưa ngành chăn nuôi của Việt Nam từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp trước đây thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng”, ông Đăng cho biết thêm.

 

Ngành chăn nuôi lợn nước ta đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng. Ảnh: Hương Giang.

Tuy nhiên, chăn nuôi lợn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến nguy cơ thường trực tái bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng…

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh, hiện nay, cả nước có 306 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở 100 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 34.304 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.416 con. So cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 3,02 lần và số lợn bị chết, tiêu hủy tăng 3,87 lần.

Ngoài ra, chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi... Những yếu tố bất lợi này khiến chăn nuôi lợn giảm mạnh.

 

Chăn nuôi lợn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Ảnh: Hương Giang.

Tại Hà Nội, theo Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội, đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố hơn 1,47 triệu con, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi lợn vẫn nhỏ lẻ, tỷ lệ chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm 54,7%; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp dẫn tới khó khăn trong việc bố trí khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và phát triển vùng chăn nuôi quy mô lớn; thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, nhất là đàn lợn thương phẩm…

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn, sinh thái

Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực. Để thúc đẩy ngành phát triển theo hướng bền vững, nhiều đại biểu cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, hài hoà lợi ích giữa các thành phần tham gia; hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, tổ chức xúc tiến thương mại. Đặc biệt cần tác động vào khâu giết mổ, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Hà Nội phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng theo vùng, xã trọng điểm xa khu dân cư; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái để bảo đảm phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Thành phố tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, theo chuỗi giá trị để kiểm soát chất lượng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thịt lợn chiếm 65% chỉ số CPI, giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau thời gian bị thua lỗ. Ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu bảo đảm nguồn cung thực phẩm và người chăn nuôi có lãi. Hiện, đất chăn nuôi tập trung được quy định rõ tại Điều 183 Luật Đất đai 2024 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quy hoạch, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển. Những quy định này giúp bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư chăn nuôi. Tuy nhiên, để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, các địa phương cần đưa công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào, kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, các địa phương cần khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi. Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo, dự báo năng lực sản xuất, cung - cầu... từ đó giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi; xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm…

Nguồn Báo Hà Nội Mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6289
Tổng lượng truy cập: 24424466