15 trường hợp bị phơi nhiễm
Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn huyện Sóc Sơn là hơn 83.200 con với trên 36.682 hộ chăn nuôi; trong đó: đàn chó 69.407 con, đàn mèo 13.794 con. Đây cũng là địa phương có tổng đàn chó, mèo lớn nhất của Hà Nội.
Hiện, phương thức chăn nuôi chó, mèo tại huyện Sóc Sơn chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ để trông giữ nhà; một số hộ chăn nuôi thương phẩm. Ngoài ra, tại khu vực thị trấn đông dân cư, có kinh tế phát triển, chó, mèo được nuôi làm thú cưng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, trong những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, trên đàn chó, mèo nói riêng được địa phương đặc biệt quan tâm. Dù vậy, do tổng đàn chó, mèo lớn; địa bàn lại rộng và giáp ranh nhiều tỉnh nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã ghi nhận tại 5 xã có trường hợp chó mắc bệnh dại gồm: Minh Trí, Hồng Kỳ, Đức Hòa, Hiền Ninh và Thanh Xuân. 15 người được ghi nhận bị phơi nhiễm và 7 người có liên quan đến chó, mèo mắc bệnh dại. UBND các xã phải tiêu hủy 37 con chó, 1 con mèo, 1 con trâu.
Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 7/2024 vừa qua, tại hai xã Hiền Ninh và Thanh Xuân, cơ quan chức năng địa phương đã ghi nhận đến 9 trường hợp người dân bị phơi nhiễm với virus bệnh dại. 20 con chó và 1 con mèo đã bị tiêu huỷ để tránh lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng.
Giám sát chặt đàn chó, mèo
Ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có lưu ý các vấn đề trên đàn chó, mèo. Đặc biệt là chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo. Lũy kế số vaccine đã tiêm phòng từ đầu năm 2024 đến nay đạt 83.800 liều.
Cùng với chỉ đạo tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo, huyện cũng yêu cầu người dân không thả rông chó mèo; thành lập đội phản ứng nhanh, đội bắt chó thả rông tại các xã có dịch; đồng thời tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng môi trường tại các địa điểm truy vết chó, mèo mắc bệnh dại và toàn xã có dịch.
Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Chu Văn Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người nuôi chó, mèo giám sát chặt chẽ sức khoẻ đàn chó, mèo; thực hiện nuôi nhốt chó, mèo.
Trường hợp phát hiện chó, mèo mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh dại, phải báo ngay cho chính quyền cơ sở hoặc nhân viên chăn nuôi thú y hoặc cơ quan thú y, y tế nơi gần nhất để thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, công tác phòng, chống bệnh dại hiện còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn huyện có diện tích rộng; số lượng chó, mèo lại lớn nhất toàn TP, trong khi lực lượng thú y mỏng (do không còn cán bộ thú y thôn).
Dù vậy, với quyết tâm ngăn chặn bệnh dại lây lan, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ khác nhau của dịch để chủ động trong mọi tình huống xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ phòng, chống bệnh dại, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh dại, UBND huyện Sóc Sơn đề nghị Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất UBND TP Hà Nội chỉnh sửa chính sách hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch, do mức hỗ trợ như hiện nay là quá thấp, khó huy động các lực lượng tham gia. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí mua sắm các trang thiết bị phòng chống dịch như tủ lạnh bảo quản vaccine, máy phun tiêu độc…
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)