Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc động vật ra, vào chợ, kịp thời xử lý trường hợp buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bà Nguyễn Thị Vương ở xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) chia sẻ: “Tôi kinh doanh gia cầm tại chợ này hơn 10 năm nay, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 1-2 tạ gà. Gia cầm bán tại chợ đều nhập từ các tỉnh phía Bắc, như: Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang… và đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các tiểu thương ở chợ đều được chính quyền địa phương, Ban Quản lý chợ yêu cầu ký cam kết kinh doanh gia cầm có nguồn gốc và bảo đảm phòng, chống dịch bệnh theo quy định”.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi kiêm Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vĩ Lương Thanh Bình, trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 35 đến 45 tấn gia cầm; vào ngày lễ, Tết có thể lên tới 70-80 tấn. Gia cầm nhập về chợ chủ yếu từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung; dịp lễ, Tết cầu vượt cung, tiểu thương nhập gia cầm của cả các tỉnh miền Nam.
“Nhìn chung các tiểu thương trong chợ đều chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, nội quy hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm; gia cầm về chợ đều có giấy kiểm dịch từ các tỉnh và hồ sơ chứng minh nguồn gốc theo quy định. Ban Quản lý chợ yêu cầu 162 hộ kinh doanh tại chợ cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận chuyển và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, định kỳ hằng tháng chợ đóng cửa 1 ngày (16 hằng tháng) để tổ chức vệ sinh, thu gom rác thải, phun khử trùng môi trường toàn chợ. Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, chưa phát hiện gia cầm nhập lậu về chợ và từ năm 2011 đến nay, chưa phát hiện tại chợ các chủng cúm gia cầm”, ông Lương Thanh Bình nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tại chợ gia cầm Hà Vĩ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, giúp công tác kiểm soát, vệ sinh thú y tại chợ đúng theo quy định. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chương trình lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút để làm cơ sở xây dựng các tình huống trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại chợ và trên đia bàn huyện, thành phố; hỗ trợ hóa chất, thuốc sát trùng cho chốt kiểm dịch, chợ vào các đợt vệ sinh tiêu độc trong năm để tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan ra đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã yêu cầu Chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố Hà Nội, Ban Quản lý chợ, xã Lê Lợi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát gia cầm được vận chuyển ra, vào chợ, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển; tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không kinh doanh, vận chuyển gia cầm có các biểu hiện mắc bệnh cúm A/H5N6, H5N1, H7N9; lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm sự lưu hành của vi rút cúm, nhằm hạn chế sự lây lan và chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm có thể lây sang người.
Bên cạnh đó, huyện Thường Tín cần tính đến việc quy hoạch, phân khu chợ bài bản (khu nhập hàng, khu xuất hàng, khu trung chuyển ứng dụng dải băng chuyền hiện đại, khu nuôi nhốt, khu lấy mẫu kiểm dịch, khu xử lý bảo hộ, khu xử lý môi trường…). Đặc biệt, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực vận hành, quản lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm…
“Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Thường Tín đề xuất thành phố đầu tư xây dựng chợ thành mô hình thí điểm về chợ đầu mối, điểm trung chuyển gia cầm bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, góp phần cung cấp nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô”, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)