Ngành chăn nuôi Hà Nội: Giải bài toán quỹ đất bị thu hẹp
Những tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi của Hà Nội tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là quỹ đất cho chăn nuôi bị thu hẹp, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định và dịch bệnh vẫn phát sinh...

Ngành chăn nuôi Hà Nội: Giải bài toán quỹ đất bị thu hẹp

Những tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi của Hà Nội tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là quỹ đất cho chăn nuôi bị thu hẹp, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định và dịch bệnh vẫn phát sinh...

Những khó khăn, thách thức này cần sớm được tháo gỡ để ngành chăn nuôi tiếp tục bứt phá, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

chan-nuoi.jpg
Chăm sóc đàn lợn giống theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều khó khăn do đô thị hóa nhanh

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Quý I-2024, tổng đàn lợn của Hà Nội là 1,45 triệu con, tăng 1,7%; đàn trâu 29,3 nghìn con, tăng 2,1%; đàn bò 127 nghìn con, giảm 1,6%; đàn gia cầm 40,6 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, gây khó khăn cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, hiện mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 vạn con giống gia cầm nhưng trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn. Lý do là huyện Đông Anh đang trong quá trình phát triển thành quận, theo quy định các trang trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư sẽ phải di dời, khiến việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ cao vào sản xuất cũng như mở rộng quy mô chăn nuôi sẽ giảm.

Tương tự, huyện Quốc Oai cũng có tốc độ đô thị hóa nhanh nên quỹ đất dành cho chăn nuôi đang bị thu hẹp. Không những vậy, giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, con giống biến động, không ổn định cũng là một trong những trở ngại cho người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, sản phẩm chăn nuôi của hợp tác xã bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chỉ một phần tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại; còn lại đơn vị phải tự tìm cách tiêu thụ nên giá cả không ổn định. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn còn nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, ngành Nông nghiệp Hà Nội nói chung và chăn nuôi nói riêng đang gặp khó khăn, thách thức trong quá trình đô thị hóa. Nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi tương đối lớn, trong khi đó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, khiến thu nhập từ chăn nuôi không ổn định so với các hoạt động kinh tế khác nên chưa thu hút được các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn.

Quy hoạch theo vùng, ứng dụng công nghệ cao

Để tháo gỡ khó khăn và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, các chuyên gia về lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, Hà Nội cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là việc quy hoạch chăn nuôi tập trung đối với các huyện nằm trong quy hoạch; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi tại các xã trọng điểm, như: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xã chăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố, giúp các doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đưa vào kênh phân phối hiện đại với giá cả ổn định, bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững so với các ngành nghề khác.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực, ưu tiên sản xuất con giống có năng xuất chất lượng cao, bảo tồn giống có giá trị; giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư. Đồng thời, thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. “Hà Nội cần có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, định hướng của thành phố là không tăng số lượng, mà chỉ tăng về chất lượng, phấn đấu đến năm 2030 hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm ở xa trung tâm Thủ đô, ứng dụng công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu; tập trung sản xuất con giống. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển chăn nuôi hữu cơ gắn với sinh thái theo mô hình: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi; tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ, nhằm kiểm soát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng:
Duy trì ổn định chăn nuôi gia súc, gia cầm

ykien-nguyen-tien-hoang.jpg

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Gia Lâm được duy trì ổn định, với 28.629 con lợn; 299.659 con gia cầm, thủy cầm; 11.244 con chó, mèo; 6.480 con trâu, bò, dê. Trong sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm của huyện chiếm khoảng 30% và cũng là nguồn thu nhập chính của các hộ dân.

Huyện Gia Lâm đang phấn đấu lên quận. Trong quá trình này, để bảo đảm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, huyện tiếp tục tuyên truyền, động viên các hộ có phương án chuyển đổi mục đích từ chăn nuôi sang hoạt động ngành nghề khác; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho các hộ chuyển đổi. Đồng thời, huyện cũng đề nghị thành phố và các sở, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh quy hoạch của huyện để bảo đảm 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị, thương mại, dịch vụ, phi nông nghiệp khi huyện thành quận.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Đức Cao Văn Tuyến:
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

ykien-cao-van-tuyen.jpg

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện Hoài Đức chủ yếu nhỏ lẻ, trong khu dân cư nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ con giống, sản phẩm là thịt gia súc, gia cầm, trứng không ổn định, người dân phải tự tìm nơi tiêu thụ nên không mặn mà đầu tư phát triển chăn nuôi.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thực hiện các đợt tổng vệ sinh môi trường... Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sớm chấm dứt và không để phát sinh thêm hoạt động chăn nuôi tại các khu vực cấm chăn nuôi, giảm dần và đưa mật độ chăn nuôi trên địa bàn huyện về mốc 2,96% đơn vị nuôi/ha vào năm 2025 và đến năm 2030 bằng 0%.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) Hoàng Văn Thành:
Chăn nuôi gặp khó trong khâu tiêu thụ

ykien-hoang-van-thanh.jpg

Khó khăn của xã Vạn Thắng là các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, chuồng trại chật hẹp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh và sản phẩm chăn nuôi chưa đồng bộ, khó tìm nơi tiêu thụ ổn định. Đối với chăn nuôi thủy sản bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân như thời tiết, nguồn nước sử dụng lâu ngày bị ô nhiễm, giá cả bấp bênh, không có thị trường tiêu thụ ổn định...

Hướng tới giảm mật độ chăn nuôi trong khu dân cư, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển chăn nuôi ra vùng đồi gò, xa khu dân cư; giữ vệ sinh chuồng trại để bảo vệ môi trường và thuận lợi trong công tác phòng dịch. Xã mong được các cơ quan chức năng của huyện, thành phố quan tâm, tập huấn khoa học, kỹ thuật cho các hộ, giới thiệu, kết nối đơn vị thu mua sản phẩm, để các hộ chăn nuôi có nơi tiêu thụ và thu nhập ổn định.

Ánh Dương ghi

 
Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8242
Tổng lượng truy cập: 25332407