Siết chặt vận chuyển gia súc, gia cầm
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, với gần 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, nhu cầu về thực phẩm, trong đó có thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn Thủ đô là rất lớn. Mặc dù vậy, năng lực sản xuất hiện nay của ngành nông nghiệp chưa thể đáp ứng được 100% nhu cầu khối lượng.
Nhà máy giết mổ gia cầm tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Việt Linh
Từ thực tế trên, Hà Nội phải kết nối với các tỉnh, TP để nhập một khối lượng lớn gia súc, gia cầm phục vụ giết mổ, bảo đảm nhu cầu về thịt động vật cho người tiêu dùng Thủ đô. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm đưa vào Hà Nội. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, đơn vị giao các trạm thú y cơ sở nắm bắt số lượng gia súc, gia cầm tiếp nhận vào địa bàn hàng ngày. 100% gia súc, gia cầm khi đưa về Hà Nội tiêu thụ phải có giấy kiểm dịch.
Ngoài giấy kiểm dịch, chủ thể vận chuyển gia súc, gia cầm vào Hà Nội còn được yêu cầu phải có biên lai, hóa đơn mua bán hàng hóa theo đúng quy định tại Thông tư số 10/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Việc tuân thủ quy định này nhằm bảo đảm gia súc, gia cầm nhập về Hà Nội có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Hiện nay, 6 chốt kiểm dịch liên ngành được TP thiết lập vẫn đang được duy trì ngày đêm nhằm kiểm soát chặt gia súc, gia cầm nhập về Hà Nội. Các chốt có sự tham gia của các cán bộ thuộc 3 nhóm lực lượng chính gồm: thú y, cảnh sát giao thông và đội quản lý thị trường.
“6 chốt được bố trí tại đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, chợ Hà Vỹ, chợ Hải Bối, cơ sở giết mổ Minh Hiền và cơ sở giết mổ Vạn Phúc; thực hiện phúc kiểm để xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm, không để động vật và sản phẩm từ thịt động vật xâm nhập trái phép vào nội đô…” - ông Nguyễn Đình Đảng thông tin thêm.
Cần sớm xóa bỏ chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ
Việc kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm vào Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng; bởi nếu không làm tốt nhiệm vụ này, hàng nghìn vật nuôi mắc bệnh có thể xâm nhập, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi cung ứng ra thị trường. Dù công tác kiểm soát vẫn đang được triển khai quyết liệt, tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đánh giá tình trạng người vận chuyển cố tình tránh các chốt kiểm dịch để đưa gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vào nội đô hiện vẫn phổ biến. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do hoạt động giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện vẫn còn hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các cơ sở này do UBND cấp huyện quản lý, cấp phép. Hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có liên quan mật thiết với tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến hiện nay.
Liên quan đến giải pháp nhằm quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhiệm vụ đặt ra là cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm siết chặt quy định về nguồn gốc, xuất xứ động vật và các sản phẩm từ động vật.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, TP đang đẩy mạnh quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư, đồng thời phát triển rộng mạng lưới giết mổ hiện đại. Do đó, cùng với các cơ chế, chính sách của T.Ư và Hà Nội, đề nghị các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, bố trí nguồn lực tài chính, tư liệu sản xuất nhằm hỗ trợ các nông hộ, DN phát triển chăn nuôi theo định hướng chung, tiến tới xóa bỏ chăn nuôi và giết mổ nhỏ lẻ.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)