Phòng, chống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (Bệnh Tai xanh - PRRS)
Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn còn gọi là “Bệnh tai xanh” là một bệnh mới xuất hiện ở nước ta. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với lợn, gây ra do vi rút. Bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, đặc trưng bởi hiện tượng sảy thai ở lợn nái chửa hoặc triệu chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở lợn con cai sữa. Hội chứng này lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ vào năm 1987 và sau đó được tìm thấy ở châu Âu và phát hiện được ở châu Á đầu những năm 90. Ngày nay, hội chứng này đã lây lan đến rất nhiều nơi trên thế giới, trở thành dịch địa phương ở các nước có ngành chăn nuôi lợn phát triển và hàng năm gây ra những tổn thất kinh tế rất lớn.
     Nguyên nhân sâu xa là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, ít áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh.
     +Không tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh đỏ.
     +Khi có dịch, vì lý do kinh tế, người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn ốm, lái buôn thường vì lợi ích trước mắt, buôn bán, giết mổ lợn ốm
     +Không kiểm soát được việc vận chuyển lợn từ vùng có dịch ra vùng chưa có dịch
     +Chính quyền địa phương còn thiếu chủ động từ khâu giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, chưa thực hiện kiên quyết các biện pháp chống dịch.
        Vì vậy địa phương nào chủ động, phát hiện sớm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp khống chế dịch, dịch sẽ không lây lan. Đặc biệt là phát hiện sớm ngay từ hộ đầu tiên, bao vây khoanh vùng dập dịch triệt để: Quản lý cấm vận chuyển, cấm bán chạy, giết mổ lợn bệnh, kết hợp tổng vệ sinh tiêu độc môi trường tốt.
       Thời gian tới, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho bệnh Tai xanh tái phát, nhất là các vùng chăn nuôi có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin 4 bệnh đỏ thấp, vệ sinh môi trường chăn nuôi kém. Để chủ động phòng, chống bệnh tai xanh cần lưu ý các giải pháp sau: 
        1. Biện pháp phòng khi chưa có dịch:

    - Thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh tai xanh, phải cách ly kịp thời, không bán chạy và giết mổ lợn bệnh, vệ sinh tiêu độc chuồng trại và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

    - Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, nhất là vắc xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, đóng dấu và phó thương hàn lợn để tránh trường hợp kế phát. Trong điều kiện cần thiết có thể tiêm vắc xin phòng một số bệnh đường hô hấp như bệnh suyễn lợn, bệnh viêm phổi và màng phổi ở lợn.
    -Tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn trong các cơ sở chăn nuôi chưa có bệnh lưu hành. Tuy nhiên, trước khi tiêm cần tham khảo ý kiến của Chi cục Thú y thành phố để biết trong khu vực trước đó có chủng vi rút nào gây bệnh, để lựa chọn loại vắc xin thích hợp, vì vắc xin không tạo ra miễn dịch chéo giữa chủng chế vắc xin và chủng gây bệnh cho lợn ở trong vùng.
   - Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như: chuồng trại xa khu dân cư, cách ly xung quanh, hạn chế người ra vào trại; nhập con giống từ các cơ sở an toàn dịch bệnh, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y; lợn mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 3 – 4 tuần lễ, không có dấu hiệu lâm sàng bệnh tai xanh cũng như các bệnh truyền nhiễm khác mới cho nhập đàn;
Đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát về màu hè, ấm áp về mùa đông, tránh gió lùa; định kỳ phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh, các thuốc thường dùng như Virkon, Navet-Iodin, Han-Iodin, Chloramin ...., dùng đúng liều lượng, nồng độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng: cho ăn đủ chất dinh dưỡng, sử dụng nguồn nước sạch, giúp lợn có sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.
    - Khi xuất lợn phải thực hiện các quy định về công tác kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
    - Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch để nâng cao ý thức cộng đồng .
   2. Biện pháp chống dịch khi có dịch xảy ra:
   Khi có dấu hiệu của bệnh tai xanh, phải báo ngay Thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương, để tập trung khống chế bao vây, không để dịch lây lan ra diện rộng:

   - Tiêu hủy ngay số lợn con theo mẹ, lợn con cai sữa mắc bệnh; lợn nái, lợn đực giống và lợn bột mắc bệnh nặng không có khả năng hồi phục. Tại ổ dịch đầu tiên, số lượng lợn mắc bệnh thì ít có thể tiêu hủy toàn bộ, không chờ có kết quả xét nghiệm để hạn chế lây lan. Khi tiêu hủy phải đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, chọn địa điểm tiêu hủy xa khu dân cư, xa khu chăn nuôi, xa nguồn nước, Dùng phương pháp chôn hoặc đốt, không gây ô nhiễm môi trường. Khi tiêu hủy, phải lập biên bản tiêu hủy theo hướng dẫn của Chi cục Thú y và Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện.

   - Cấm bán chạy, cấm giết mổ lợn bệnh, không vứt xác lợn ốm bừa bãi. Tại ổ dịch tạm dừng việc xuất, nhập lợn và sản phẩm lợn.
   - Tổng vệ sinh tiêu độc môi trường tại ổ dịch: thu gom phân, rác chất thải chăn nuôi đem đốt hoặc ủ theo phương pháp nhiệt sinh học, vệ sinh quét dọn chuồng trại, máng ăn, máng uống.... sau đó phun thuốc sát trùng, mỗi ngày phun 1 lần, cho đến khi hết dịch; nên sử dụng các loại hóa chất an toàn với lợn.
   Xung quanh ổ dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc môi trường, vệ sinh cơ giới trước, sau đó phun thuốc sát trùng, thực hiện 2 lần/tuần, cho đến khi hết dịch.
  - Đối với lợn khỏe chưa nhiễm bệnh; phải cách ly để nuôi dưỡng, chăm sóc, tiêm thuốc trợ sức, nâng sức đề kháng của đàn lợn với bệnh.
   - Chỉ nhập đàn mới, khi đã công bố hết dịch và đã tổng vệ sinh tiêu độc, để trống chuồng 4 tuần.
   Tại khu vực xung quanh ổ dịch:
   - Chỉ đạo Ban Thú y xã, thị trấn; thú y thôn, bản thống kê toàn bộ đàn lợn trong thôn, xã có dịch, kiểm tra giám sát phát hiện kịp thời lợn mắc bệnh. Cấm vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào thôn, xã có dich.

   - Tổ chức tiêm phòng bổ xung vắc xin 4 bệnh đỏ cho đàn lợn, để hạn chế kế phát các bệnh truyền nhiễm khác. Tổ chức tiêm phòng vắc xin tai xanh tại vùng chưa có dịch nhưng bị uy hiếp, nếu có điều kiện.

   - Tổ chức vệ sinh tiêu độc môi trường, định kỳ phun thuốc sát trùng cho đến khi hết dịch.
   - Thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh, để người chăn nuôi chủ động khai báo khi có dịch, không dấu dịch, không bán chạy và giết mổ lợn bệnh...
   3. Điều trị bệnh:
    Bệnh Tai xanh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ điều trị các bệnh bội nhiễm do vi khuẩn gây ra, bằng cách:
   + Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng. Dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng cho lợn như vitamin C nồng độ cao, khoáng vi lượng, B. comlex;
    + Thuốc điều trị triệu trứng: để giảm sốt, tiêu chảy...
   + Sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng để điều trị cho lợn mắc bệnh, hạn chế kế phát. Điều trị phải đẩy đủ, đúng liều, đủ thời gian, ít nhất là 5-7 ngày.
Lưu ý: Khi vào tiếp súc lợn bệnh phải có bảo hộ lao động, khi ra khỏi chuồng nuôi phải vệ sinh tiêu độc để tránh làm lây lan mầm bệnh.
   Ví dụ có thể dùng phác đồ điều trị sau:
   - Tiêm Bcomlex Fortifiet liều 0,1 ml/10 kg trọng lượng.
   - Tiêm Ketovet liều 1 ml/15 kg trọng lượng (làm giảm sốt, kháng viêm)
   - Tiêm Marbovitryl liều 1 ml/10 kg trọng lượng. Tiêm ngay 2 lần, trong 4 - 5 ngày. Đồng thời kết hợp tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi..../.
 

 admin   Trung tâm Khuyến nông


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1545
Tổng lượng truy cập: 25344896