Siết chặt quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
Để bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm an toàn cho hàng triệu người dân Thủ đô, việc giám sát chặt chẽ hoạt động giết mổ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Dù vậy, công tác này hiện còn gặp không ít khó khăn.

Hàng trăm cơ sở giết mổ chưa được cấp phép

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn TP. Trong số này, 106 cơ sở giết mổ được cấp phép cung cấp cho thị trường khoảng 60% tổng sản lượng (tương ứng với 600 tấn thịt động vật), còn lại là lượng thịt từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa được chính quyền địa phương cấp phép.

 

Giết mổ, sơ chế thịt lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Lâm Nguyễn

Mặc dù hàng năm, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng như các sở, ngành có tiến hành giám sát, lấy mẫu sản phẩm thịt động vật từ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tuy nhiên công tác này chưa được thực hiện thường xuyên. Điều này dẫn tới việc thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát và chưa được kiểm soát thường xuyên vẫn lẫn lộn trên thị trường tiêu thụ, nhất là tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm…

Đối với chất lượng thịt gia súc, gia cầm, cần nhìn nhận trên hai khía cạnh là chăn nuôi và giết mổ. Thực tế những năm qua, việc quản lý chăn nuôi theo hướng an toàn đã và đang được thực hiện tương đối tốt. Hà Nội cũng giao Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên lấy mẫu để phân tích, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng chất cấm trong sản phẩm chăn nuôi. Do đó, trên địa bàn TP thời gian qua không ghi nhận vi phạm nào.

Tuy nhiên, việc quản lý giết mổ vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Theo thống kê, toàn TP hiện có 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng trong số này chỉ có 8 cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp; 57 cơ sở giết mổ quy mô bán công nghiệp; còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong số 730 cơ sở giết mổ, hiện cũng chỉ có 106 cơ sở được UBND cấp huyện cấp phép hoạt động, còn lại là các cơ sở chưa được cấp phép.

Vì sao giết mổ nhỏ lẻ còn “đất diễn”?

Liên quan đến câu hỏi “vì sao những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn hoạt động”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho rằng, sở dĩ hiện nay TP chưa thể xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là bởi chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP vẫn còn rất phổ biến.

Thống kê cho thấy, toàn TP vẫn còn tới 190.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kéo theo đó là nhu cầu về giết mổ. Tại nhiều địa phương, hình thành cả những ngôi làng với hàng chục hộ chuyên giết mổ gia súc, gia cầm; điển hình như tại các huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Oai…

Hiện nay, trong tổng số 730 cơ sở giết mổ đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, có 106 cơ sở được chính quyền cấp huyện cấp phép hoạt động, chịu sự quản lý về giết mổ của Sở NN&PTNT Hà Nội. Theo đó, tại 106 cơ sở này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y bố trí cán bộ túc trực, kiểm soát quá trình giết mổ từ đầu đến cuối. Công tác giám sát giết mổ tuân thủ các quy định của Thông tư số 10/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

 

Giết mổ, sơ chế thịt gà tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Lâm Nguyễn

“Đối với 624 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn lại, chưa được các cấp chính quyền cấp phép hoạt động thì việc quản lý giết mổ thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở. Điều này cũng đã được quy định rất rõ trong Luật Thú y” - ông Nguyễn Đình Đảng thông tin thêm.

Việc tồn tại số lượng lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vô hình trung ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giết mổ được đầu tư theo quy hoạch. Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho rằng, để các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả sau đầu tư, các địa phương cần xử lý nghiêm những điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường; xử lý theo quy định các sản phẩm không có dấu kiểm soát thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sớm hoàn thiện mạng lưới cơ sở giết mổ

Việc tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khiến công tác quản lý chất lượng thịt gia súc, gia cầm nói riêng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn Hà Nội nói chung gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nhiều ý kiến cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý các cơ sở giết mổ trên địa bàn Hà Nội hiện nay là bởi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương. Thói quen tiêu dùng thịt nóng của người dân cũng là yếu tố khiến hoạt động giết mổ nhỏ lẻ tồn tại dai dẳng, nhất là ở những vùng nông thôn, ven đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để giải quyết bài toán giết mổ nhỏ lẻ, từ đầu năm 2020, UBND TP đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND phê duyệt mạng mưới các cơ sở giết mổ tập trung. Mục tiêu là đến năm 2030, toàn TP sẽ có 29 cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng theo quy hoạch tại 14 huyện, thị xã. Mặc dù vậy, việc triển khai Quyết định số 761/QĐ-UBND thực tế còn nhiều khó khăn. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội mới xây dựng được 12/29 cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Theo ông Tạ Văn Tường, để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các địa phương cần thực hiện rất nhiều thủ tục như: thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Kinh phí xây dựng cơ sở gia súc, gia cầm tập trung cũng là rất lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải. Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ được đánh giá là chưa đủ mạnh thì những vấn đề trên đang trở thành rào cản đối với việc phát triển mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Hà Nội.

“Hiện nay, TP đang chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN khi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án; sớm hoàn thành mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đưa hoạt động này vào nền nếp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường” - ông Tạ Văn Tường thông tin thêm.

Để xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ thì việc giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ, trong khu dân cư là việc cần làm trước tiên. Khi kiểm soát được chăn nuôi nhỏ lẻ thì hoạt động giết mổ nhỏ lẻ cũng tự khắc giảm dần. Do đó, kiến nghị chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, có giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng

Muốn phát triển được mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, TP cần ban hành một số cơ chế tạo thuận lợi cho DN như miễn tiền thuê đất trong 1 - 2 năm đầu, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, trong chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, TP cần yêu cầu các địa phương đưa tiêu chí có một điểm giết mổ tập trung (ở những nơi có quy hoạch) để thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8754
Tổng lượng truy cập: 25332407