Đảm bảo an toàn dịch bệnh thúc đẩy chăn nuôi ổn định
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khá phức tạp, trong khi cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố vẫn chiếm số lượng lớn. Vì vậy, việc các cơ sở chăn nuôi chủ động thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp hữu hiệu, không chỉ giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường.


Cơ sở an toàn dịch bệnh hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Tước (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức

Cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng giống của hộ ông Nguyễn Khắc Tước (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) là một trong những cơ sở được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Khu vực nuôi gà bố mẹ được thiết kế thoáng khí; máng ăn, máng uống của gà được vệ sinh sạch sẽ, chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống thông gió làm mát chuồng trại, và đặc biệt, trong chuồng nuôi không hề có mùi vì cơ sở đã sử dụng đệm lót sinh học bằng chế phẩm vi sinh trộn với vỏ trấu đã góp phần cân bằng hệ sinh thái vi sinh trong chuồng, giảm các nguy cơ mắc bệnh và đảm bảo sự phát triển của đàn gà… Trang trại gà của ông Tước có quy mô từ 5.000 -7.000 con gà đẻ và 5.000 con gà hậu bị; vận hành 6 lò ấp trứng gia cầm, công suất đạt trên 19.000 quả trứng gà/lò. Ông Tước cho biết, vì chăn nuôi với số lượng lớn nên việc đảm bảo an toàn dịch bệnh luôn được trang trại coi trọng và áp dụng. Bên cạnh công tác vệ sinh chuồng chăn nuôi luôn khô thoáng, sạch sẽ… ông còn đặc biệt lưu tâm đến khâu tiêm phòng vắc - xin phòng bệnh cho gà. Cùng với sự hỗ trợ từ cán bộ thú y trong công tác đôn đốc, giám sát và tư vấn, hỗ trợ phòng dịch nên việc chấp hành các yêu cầu của cơ sở an toàn dịch bệnh được gia đình ông nghiêm túc thực hiện.

Là 1 trong 5 huyện đã có lộ trình thành quận theo Quyết định số 6170/QĐ-UBND ngày 5/11/2019 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, song chăn nuôi tại huyện Hoài Đức vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định và là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình ở đây. Để chăn nuôi được ổn định các hộ chăn nuôi đã rất chủ động trong công tác đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh.

Tính đến thời điểm tháng 4/2023, trên địa bàn huyện Hoài Đức có tổng đàn trâu, bò gần 3.200 con; đàn lợn là 32.704 con; gia cầm 420.588 con và 126.000 con chim cút. Chăn nuôi tập trung tại các xã Dương Liễu, Cát Quế, yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương và Đông La. Bà Nguyễn Thị Định - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Đức cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, Trạm thú y huyện Hoài Đức đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện xong 02 đợt vệ sinh môi trường; tổng diện tích phun tiêu độc, khử trùng được trên toàn huyện là 1,9 triệu m2. Công tác tiêm phòng và lấy mẫu giám sát được thực hiện đầy đủ, đúng kế hoạch. Tổ chức thực hiện lấy mẫu môi trường giám sát sự lưu hành của virus Dịch tả lợn Châu Phí tại 20 hộ chăn nuôi lợn của 2 xã Dương Liễu và Cát Quế (kết quả xét nghiệm âm tính); thực hiện lấy 120 mẫu giám sát sau tiêm phòng vacxin Dịch tả, Tai xanh, Lở mồm long móng tuýp O, Cúm gia cầm cho đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn, giám sát lấy 61 mẫu tại cơ sở chăn nuôi cung cấp trứng giống cho cơ sở ấp nở gà giống để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau khi tiêm phòng vacxin Cúm gia cầm (đạt tỷ lệ bảo hộ theo quy định). Thường xuyên phối hợp thực hiện quản lý giết mổ, kiểm dịch động vật ngoại tỉnh, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Qua đó, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, đặc biệt không xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội được kiểm soát với các bệnh tai xanh, lở mồm long móng gia súc, bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò. Toàn thành phố đã hoàn thành 2 đợt vệ sinh tiêu độc đại trà (đợt vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường sau Tết Quý Mão năm 2023, đợt sau tiêm phòng đại trà đợt 1/2023) và 1 đợt phun diệt ruồi, côn trùng và cấp hóa chất bổ sung phòng, chống dịch bệnh). Tổng số hóa chất Chi cục cấp và sử dụng là 91.400 (lít, kg), diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc là hơn 140 triệu m2. Các quận, huyện và thị xã hỗ trợ 540,1 tấn vôi và kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Có được kết quả này, các Trạm thú y đã làm tốt công tác chuyên môn. Chỉ đạo nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, thị trấn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

Thời tiết biến đổi khắc nghiệt, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi Hà Nội luôn khuyến khích các hộ chăn nuôi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học VietGAP, theo hướng hữu cơ,… mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi với việc tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, đặc biệt là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống của người dân./.

Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1169
Tổng lượng truy cập: 25344896