Đẩy mạnh chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm chăn nuôi an toàn
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội tập trung xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, qua đó tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi an toàn được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch; giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kết nối để các sản phẩm an toàn thực phẩm được sản xuất và phân phối nhiều hơn trên thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, vừa phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản chất lượng ngày càng cao, khách hàng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng những mặt hàng ngon, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo được những yêu cầu khắt khe về dinh dưỡng. Theo đó, các sản phẩm thịt mát, có tem nhãn và truy xuất nguồn gốc nhà sản xuất được bán tại các siêu thị, cửa hàng đang ngày càng được quan tâm và dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng về sử dụng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ trong ngày và bày bán tại chợ.

Tính đến thời điểm tháng 5/2023, thành phố Hà Nội có tổng đàn trâu, bò:165.657 con; đàn lợn: 1.520.609 con; đàn gia cầm: 36.990.021 con. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Nguyễn Đình Đảng cho biết, Hiện nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của thành phố khoảng 19.300 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 13.700 tấn/tháng (đạt 71%); thịt trâu, bò nhu cầu khoảng 5.370 tấn/tháng, đáp ứng được 1.000 tấn/tháng (đạt 18,6%); thịt gia cầm nhu cầu của thành phố khoảng 6.400 tấn/tháng, nhưng Hà Nội đã sản xuất được 13.500 tấn/tháng... Lượng sản phẩm chăn nuôi còn thiếu được cung ứng bởi các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị đóng trên địa bàn Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.

Hà Nội từ hơn 10 năm nay đã rất quan tâm tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển công nghệ chế biến thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắc khe, đến nay thành phố đã có 159 chuỗi giá trị và đặc biệt từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã đánh giá được 2167 sản phẩm OCOP, đã góp phần cung cấp một lượng lớn sản phẩm thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Ngành chăn nuôi Hà Nội đang hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đang từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến nhằm phát triển các chuỗi và cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô. Đến nay, Thành phố đã quy hoạch các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn, với 162 xã chăn nuôi trọng điểm. Duy trì và phát triển 53 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi an toàn được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch; giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tại các chuỗi liên kết, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm cơ bản được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các chuỗi liên kết giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra nhiều sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, được người tiêu dùng tin cậy.

Việc xây dựng chuỗi đã giúp các tác nhân kiểm soát được số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đồng thời, nâng cao nhận thức về ATTP đối với các tác nhân từ chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất là rất quan trọng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng quốc tế. Khi mà nhu cầu về chất lượng sản phẩm, cũng như việc đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ và tính minh bạch thông tin quy trình sản xuất của người tiêu dùng ngày càng cao hơn thì việc phát triển và tiêu thụ nông sản theo chuỗi là xu hướng tất yếu nếu không chính người sản xuất sẽ tự bị đào thải.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do tốc độ đô thị hóa nhanh, trực tiếp ảnh hưởng đến các vùng, trang trại chăn nuôi và hệ thống chuỗi liên kết. Một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng được giết mổ trong ngày và bày bán tại chợ dân sinh, chợ truyền thống, phần nào kìm hãm sự phát triển của hệ thống cửa hàng tiện tích chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để khắc phục, hạn chế khó khăn trên, ngành chăn nuôi Hà Nội cần tiếp tục phát triển chăn nuôi theo quy hoạch theo vùng, xã trọng điểm và ứng dụng công nghệ cao; gắn sơ chế và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường; phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với du lịch đồng thời Thành phố có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm.

 Ông Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn chất lượng, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng...Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tuyên truyền về công tác phát triển chăn nuôi, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật liên tỉnh, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, quản lý vật tư chăn nuôi (giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y). Tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn quốc tế. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi.

Xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm sẽ kiểm soát được chất lượng từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, đồng thời, cung cấp nguồn đầu vào ổn định chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất và bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng. Vì thế, đây cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.
Lưu Thị Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1471
Tổng lượng truy cập: 25344896