Tình hình lưu hành vi rút và khuyến cáo sử dụng vắc xin cho vật nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Những năm qua, các ổ dịch bệnh như Cúm gia cầm (CGC), Lở mồm long móng (LMLM), Viêm da nổi cục (VDNC) đã xảy ra tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Do đó, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

 

Hình ảnh tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi

Kết quả giám sát cho thấy các chủng vi rút CGC, LMLM lưu hành nhiều ở môi trường và đàn vật nuôi; cùng với các yếu tố như mật độ chăn nuôi cao, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, chăn nuôi an toàn sinh học còn nhiều hạn chế, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại, phát triển.

Để các địa phương, cơ sở chăn nuôi lựa chọn chủng loại vắc xin phù hợp và phát huy hiệu quả sử dụng vắc xin cho đàn vật nuôi. Đối chiếu với tình hình lưu hành vi rút Cúm gia cầm (CGC), vi rút Lở mồm long móng (LMLM), vi rút Viêm da nổi cục (VDNC) phân lập tại Việt Nam trong các năm 2021 - 2022 và khuyến cáo sử dụng vắc xin tại công văn số 113/TY-TD của Cục Thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khuyến cáo như sau:

Đối với cúm gia cầm: Kết quả giám sát lưu hành vi rút, giải trình tự và phân tích gien phát hiện có 03 chủng vi rút CGC A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại các ổ dịch, các chợ, điểm buôn bán gia cầm của Hà Nội trong các năm 2021 – 2022; các nhánh vi rút CGC không có biến đổi lớn về di truyền, cụ thể: Vi rút CGC A/H5N1 thuộc nhánh 2.3.4.4b và chiếm ưu thế vào năm 2022. Vi rút CGC A/H5N6 thuộc nhánh 2.3.4.4h và chiếm ưu thế vào năm 2021. Vi rút CGC A/H5N8 thuộc nhánh 2.3.4.4b.

Khuyến cáo lựa chọn vắc xin cúm gia cầm: Hiện nay, có nhiều loại vắc xin CGC đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam. Căn cứ tình hình lưu hành các chủng, nhánh vi rút CGC nêu trên, tình hình dịch bệnh CGC, hồ sơ kỹ thuật của các đơn vị sản xuất, cung ứng vắc xin, các cơ sở quyết định việc lựa chọn chủng loại vắc xin CGC phù hợp, trường hợp địa phương có nhiều chủng vi rút CGC lưu hành cần ưu tiên lựa chọn vắc xin có khả năng (phổ) bảo hộ rộng để tiêm phòng cho đàn gia cầm tại địa phương.

Ở Việt Nam, có nhiều loại vắc xin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước được Cục Thú y đưa vào danh sách vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam như: Vắc xin Cúm gia cầm của Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco: Navet-Vifluvac (H5N1 subtype, vô hoạt nhũ dầu) và NAVET-FLUVAC 2; Vắc xin Cúm gia cầm của Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5 (Fivevet): Five-AI; Fove-AI.NĐG7. Các vắc xin này đã được tổ chức đánh giá hiệu lực và đạt hiệu quả trong phòng chống cúm gia cầm.

Đối với Lở mồm long móng: Kết quả giám sát lưu hành vi rút, giải trình tự và phân tích gien của các mẫu vi rút LMLM được thu thập tại Việt Nam trong năm 2022 cho thấy chỉ có típ O dòng O/ME-SA/Ind2001e lưu hành và có tương đồng từ 98 – 99% so với vi rút LMLM O/ME-SA/Ind2001e năm 2021.

Khuyến cáo lựa chọn vắc xin LMLM: Hiện nay, có nhiều loại vắc xin LMLM đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi quyết định việc lựa chọn chủng loại vắc xin LMLM phù hợp để tiêm phòng cho đàn gia súc cụ thể như sau:

Để phòng bệnh do vi rút LMLM típ O gây ra, sử dụng vắc xin chứa một hoặc kết hợp các kháng nguyên như: RAHO6/FMD/O-135; O 3039 và O Manisa; O1Campos; O/Mya98/XJ/2010 và O/GX/09-07; hoặc các kháng nguyên khác của vắc xin đã được cấp phép lưu hành và chứng minh hiệu quả tại thực địa.

Để phòng bệnh do vi rút LMLM típ A gây ra, lựa chọn vắc xin có chứa kết hợp hai thành phần kháng nguyên A22/Iraq và A/May/97; hoặc hai thành phần kháng nguyên A24 Cruzeiro và A2001 Argentina; hoặc các kháng nguyên khác của vắc xin đã được cấp phép lưu hành và chứng minh hiệu quả tại thực địa.

Để phòng bệnh do vi rút LMLM típ O và A gây ra, lựa chọn vắc xin có chứa kết hợp các thành phần kháng nguyên của típ O và típ A nêu trên.

Đối với bệnh Viêm da nổi cục: Phân tích đoạn gien EEV glycoprotein LSDV126 của vi rút VDNC lưu hành tại Việt Nam cho thấy vi rút này thuộc chủng vi rút Neethling, giống 100% so với vi rút VDNC đã gây các ổ dịch tại Trung Quốc.

 

Hình ảnh bò mắc bệnh viêm da nổi cục

Khuyến cáo lựa chọn vắc xin VDNC: Hiện nay, có 04 loại vắc xin VDNC đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam: (i) Vacxin Avac LSD Live của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam; (ii) Vacxin đậu dê nhược độc đông khô của Công ty Cổ phần thuốc thú y TW Navetco; (iii) Vacxin Lumpyvac do Công ty Cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet nhập khẩu; (iv) Vacxin Mevac LSD do Công ty TNHH Thú y Đông Phương nhập khẩu.

Chi tiết các chủng virus và loại vắc xin lưu hành tại Việt Nam xem tại công văn 113/TY-DT ngày 30/01/2023 của Cục Thú y.

Cấn Xuân Minh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 11078
Tổng lượng truy cập: 22099279