Gia đình ông Đoàn Ngọc Khuyên, thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì ban đầu chủ yếu nuôi cá truyền thống, năng suất, chất lượng không cao, có thời điểm cá bị chết hàng loạt, thất thoát hàng trăm triệu đồng… Tuy nhiên, không khuất phục trước khó khăn, ông Khuyên đầu tư máy móc, học hỏi kinh nghiệm chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2015.
Ông Khuyên cho biết, nuôi cá VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và có nhật ký ghi chép đầy đủ từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. Hàng tháng ông đều lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp. Ngoài việc vệ sinh ao nuôi và xử lý nước thải đảm bảo sạch trước khi xả ra môi trường, ông Khuyên còn thả bèo tây trên diện tích nhất định để những chất thải chưa được lọc hết sẽ được xử lý triệt để.
Để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần, ông Khuyên dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho cá.
Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Một ngày ông cho ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Sáng 8 - 9 giờ, trưa: 12 - 13 giờ, chiều: 16 - 17 giờ. Tùy theo thời tiết và sức ăn của cá, người nuôi sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Bình quân 1 tạ cá thương phẩm chỉ cho ăn 1,5 - 2kg cám/ngày.
Cùng với đó, để giảm bớt công lao động, ông đã lắp đặt máy cho cá ăn tự động, chỉ việc cho cám vào máy, điều chỉnh tốc độ cho ăn là máy nhả cám theo tỷ lệ đã cài đặt, giúp giảm hao hụt và kiểm soát được lượng thức ăn.
“Sau hơn 6 năm nuôi cá theo quy trình VietGAP, tôi nhận thấy có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống. Bởi có thể theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, còn cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng một diện tích ao 3,5ha, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ tôi chỉ thu được 10 - 15 tấn cá/năm. Khi nuôi cá công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất xuất bán ra thị trường từ 25 – 30 tấn cá, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí đầu tư cũng bỏ túi 600 triệu đồng/năm” - ông Khuyên phấn khởi cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Chu Xuân Cừ cho biết: Mô hình nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Đoàn Ngọc Khuyên là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Hội Nông dân huyện thường xuyên giới thiệu tới hội viên, nông dân trên địa bàn Ba Vì tới tham quan, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo…
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)