Hà Nội là Thủ đô song vẫn có rất nhiều tiếm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò sữa do một số huyện có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu giành cho chăn nuôi bò sữa như (Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ,…). Đồng thời, với dân số trên 10 triệu người thường xuyên có mặt sinh sống nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn trong đó có các sản phẩm từ sữa bò. Với sự quan tâm của các cấp các ngành những năm qua Chăn nuôi bò sữa đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt về chất lượng ngày càng được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, tổng đàn bò sữa trên địa bàn Thành phố 15.504 con (tăng 50% so với năm 2010), năng suất sữa đạt 5 tấn/con/chu kỳ (tăng 8,8% so với năm 2010) . Tỷ lệ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) phát triển theo hướng tiệm cận với chất lượng giống thuần chủng (Đàn bò sữa có tỷ lệ máu lai 7/8 trở lên chiếm trên 90%). Sản lượng sữa đạt 38,7 nghìn tấn/năm (tăng 46% so với năm 2010). Có 29 trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn 747 con. Về cơ cấu giống, chủ yếu là đàn bò sữa (HF) có tỷ lệ máu lai 7/8 trở lên chiếm trên 90%. Chăn nuôi bò sữa ổn định ở 2 vùng trọng điểm là Ba Vì và Gia Lâm với tổng đàn 12.213 con (chiếm 79% đàn bò sữa toàn Thành phố). Đàn bò sữa được lai tạo giống bằng tinh của các giống bò sữa cao sản, tinh phân ly giới tính. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, hệ thống chuồng trại, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh được các hộ chăn nuôi quan tâm và đầu tư. Công tác chọn giống cũng thường xuyên được cải thiện để loại những con sinh sản kém, sản lượng sữa thấp, tỷ lệ TTNT trên đàn bò sữa đạt 100%, tỷ lệ thụ thai đạt 65%. Trọng lượng bê sơ sinh bình quân 35 kg, tỉ lệ đực/cái là 52/48, bê ngoại hình đẹp, trường con, khối lượng bê cái bình quân lúc 3 tháng đạt 110 kg/con, 6 tháng khối lượng bê cái bình quân đạt 195 kg/con.
Công tác lai tạo giống bằng tinh phân ly giới tính được tăng mạnh, đến tháng 12/2021 đã có khoảng 5.400 con bò, bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính (tỷ lệ bê cái đạt 90% ). Bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính có khối lượng sơ sinh từ 30 - 45 kg (bò mẹ không phải mổ đẻ) khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh tật, có ngoại hình đẹp, mang đặc trưng phẩm giống bò sữa. Bò cái sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính đã cho khai thác sữa, sản lượng sữa lứa 1 trung bình đạt 5.400 kg/con/chu kỳ, cao hơn 600 kg/con/chu kỳ so với bò sữa sinh ra từ tinh không phân ly giới tính (4.800 kg/con/chu kỳ). Một số con có sản lượng sữa đạt 6.500 kg/con/chu kỳ và đang khai thác sữa ở lứa thứ 2.
Về thức ăn trong chăn nuôi bò sữa, Hà Nội có tổng diện tích đất nông nghiệp là 187.232,86 ha. Các sản phẩm phụ trong nông nghiệp sử dụng làm thức ăn cho bò, với lúa diện tích khoảng 162,1 nghìn ha, năng suất đạt 60,7 tạ/ha, bên cạnh đó cây lúa hàng năm còn cung cấp một lượng phụ phẩm rơm, cám gạo là nguồn thức ăn rất tốt cho bò sữa. Cây Ngô diện tích khoảng 13,2 nghìn ha, sản lượng đạt 69,7 nghìn tấn/ha. Cây khoai lang diện tích đạt 1.608 ha, sản lượng đạt 15,3 nghìn tấn. Cây đậu tương: diện tích đạt 1.916 ha, sản lượng đạt 3576 tấn. Ngoài ra, còn có cây lạc, cây rau, cây đậu… là một trong những cây thức ăn giàu đạm và nguồn thức ăn quan trọng cho phát triển chăn nuôi bò sữa.
Việc thu gom tiêu thụ sữa tươi, Hà Nội hiện có 7 Công ty cùng với 3 nhà máy chế biến sữa hoạt động thu mua sữa với trên 32 trạm thu gom. Ngoài ra còn có nhiều các cơ sở/hộ chế biến, kinh doanh sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa như bánh sữa, sữa chua hoạt động trên địa bàn huyện Ba Vì và tuyến đường Quốc lộ 32, 21, đại lộ Thăng Long kéo dài. Sản lượng sữa bò tươi trên địa bàn Thành phố mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Như vậy có thể thấy dư địa cho chăn nuôi bò sữa của Hà Nội vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, khó khăn, thách thức đối với chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố hiện nay cũng rất lớn đó là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trên 30%. Thành phố đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao (chiếm 60%). Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát. Người chăn nuôi bước đầu mới chỉ chú trọng tăng năng suất. Các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi đã ban hành, tuy nhiên còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, chưa có chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm từ sữa. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho bò đang dần bị thu hẹp dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò còn hạn chế, thiếu hụt (diện tích ít chưa được 500 m2/con bò, trong khi đó các nước phát triển như Úc 1,8 ha/con bò; Mỹ, Canada 1 ha/con bò và Thái Lan 1ha/6 con bò). Đầu tư cho sản xuất chăn nuôi bò sữa của doanh nghiệp thu hồi vốn dài, nhiều rủi ro về thiên tai, thời tiết, trong khi đó chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất còn là nút thắt chưa được tháo gỡ nên nhà đầu tư còn ngần ngại. Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm sữa bò còn hạn chế chưa tương xứng với xu thế hội nhập quốc tế. Năng suất sữa trong nước thấp, trung bình chỉ đạt 5 tấn/chu kỳ và bằng 2/3 so với các nước đang phát triển (Đài Loan 7 tấn/chu kỳ). Những hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, hạn chế đầu tư và kỹ thuật chăn nuôi nên môi trường trong chăn nuôi vẫn bị ô nhiễm, xử lý chất thải, dịch bệnh gặp nhiều khó khăn; thiếu điều kiện vệ sinh nên ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Giá cả thị trường không ổn định việc đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa của các tổ chức cá nhân cũng hạn chế. Chưa có nhà máy chế biến thức ăn cho giá súc lớn (TMR, TMF …) phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc.
Định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa thời gian tới: Tiếp tục thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo xã, vùng trọng điểm, xa khu dân cư, trong đó, tập trung phát triển ở một số huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế (Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ ...). Riêng huyện Gia Lâm có lộ trình giảm dần chăn nuôi bò sữa do đã có định hướng lên quân. Duy trì ổn định đàn bò sữa tại các xã chăn nuôi trọng điểm với tổng đàn khoảng 15 ngàn con, chủ yếu nâng cao về chất lượng, sản lượng sữa đạt gần 39 nghìn tấn/năm. Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt công tác cấy truyền phôi, lai tạo giống bằng tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sữa. Phấn đấu tất cả các cơ sở sơ chế, chế biến sữa đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO…) 100% sản phẩm sữa được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 70% cơ sở chăn nuôi bò sữa ngoài khu dân cư đạt tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển các hộ chăn nuôi xa khu dân cư có quy mô bình quân 10 con/hộ, chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, sinh học. Tập trung chủ yếu ở các xã Tản Lĩnh, Vân hòa, Yên Bài, Minh Châu (Ba Vì) và Phượng Cách (Quốc Oai).
Về giải pháp: Chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi. Tổng diện tích đất các loại cho nhu cầu này từ 0,5 đến 1,0 triệu ha. Xây dựng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Ứng dụng rộng rãi công nghệ số hóa trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi. Đề xuất chính sách, giải pháp, xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò sữa. Tập trung các giải pháp về sản xuất con giống, phòng bệnh, vệ sinh môi trường để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ đầu mối, trung tâm đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, đấu giá giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi.
Về khoa học công nghệ, thực hiện công tác quản lý giống bằng phần mềm 4.0. Tăng cường tuyển chọn, giữ lại các con giống có năng suất từ 18 kg sữa tươi/ngày trở lên. Tiếp tục cải tiến năng suất, chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh phân ly giới tính, tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, ổn định cơ cấu giống 90% HFF3 trở lên. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào chăn nuôi, đặc biệt là công nghệ cấy truyền phôi. Khuyến khích chăn nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao: Hệ thống phối trộn thức ăn TMR, sử dụng giàn máy vắt sữa, hệ thống phun tưới cỏ tự động.
Giành quỹ đất trồng cỏ, chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò đủ về số lượng và chất lượng, trồng các giống cỏ mới năng suất, chất lượng cao. Áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh để nâng cao giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thu. Tăng cường công tác quản lý dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi bò sữa có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái. Làm tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực và cho các hộ chăn nuôi bò sừa. Xây dựng hệ thống xử lý môi trường, sử dụng các chế phẩm xử lý môi trường. Xây dựng hệ thống thu gom chất thải chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại, HTX với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sữa bò. Tập trung phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ sữa và các sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đầu tư vào chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sữa bò. Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống, sử dụng tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính vào sản xuất. Tạo điều kiện cho các hộ vay vốn với lãi suất thấp từ nguồn quỹ Khuyến nông. Hình thành các nhóm, hợp tác xã trong liên kết sản xuất để trao đổi về công tác quản lý, kinh nghiệm trong chăn nuôi. Đồng thời, có đủ cơ sở pháp lý để ký hợp đồng vay vốn. Rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi bò sữa, nhằm thúc đẩy phát triển ổn định, bền vững phù hợp với từng giai đoạn.
Chắc chắn với những giải pháp trên được triển khai đồng bộ, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Thành phố tiếp tục có bước chuyển tích cực trong thời gian tới./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)