Hơn hai năm qua mặc dù gặp quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Dịch bệnh Covid19 song ngành chăn nuôi của Hà Nội vẫn có bước phát triển ổn định đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô. Đàn gia súc gia cầm hiện vẫn đứng tốp đầu cả nước, đặc biệt về chất lượng tiếp tục có bước cải thiện đáng kể. Trên địa bàn Thành phố có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 6.515 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; 190 ngàn hộ chăn nuôi. Tổng đàn trâu bò là 169 ngàn con tăng 3,1% so cùng kỳ, đàn lợn 1,4 triệu con, riêng đàn lợn sinh sản 168 ngàn con tăng 19,3% so cùng kỳ; Tổng đàn gia cầm là 38,6 triệu con giảm 5,2% so cùng kỳ; Đàn dê là 15.507 com tăng 7,9%, đàn chó, mèo là 438.390 con giảm 5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính 630 tấn, tăng 7 % so với cùng kỳ; thịt bò hơi xuất chuồng ước tính 3,7 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính 77 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ; sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng 55 nghìn tấn, tăng 2,8 % so với cùng kỳ; trứng gia cầm 845 triệu quả tăng 4% so với cùng kỳ; Chăn nuôi, thủy sản đạt 58,11% cơ cấu trong nông nghiệp. Tình hình dịch bệnh nguy hiểm những tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tổt.
Để có được kết quả trên phần lớn nhờ vào lộ trình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trên địa bàn Thàn phố; từ con giống, trang thiết bị, kỹ thuật chăn nuôi, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh. Kết quả cụ thể trên địa bàn Thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Hiện có 09 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội, ...) đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đến nay 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm; nhiều chuỗi sản xuất sơ chế, tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Công nghệ cao được lựa chọn ứng dụng chủ yếu là các công nghệ, thiết bị thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường chăn nuôi, giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm; sử dụng công nghệ chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động; công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính; xử lý môi trường bằng công nghệ các công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…).
Hiện toàn Thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa; 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường trong đó 75% số trại bò sữa; 44% số trại chăn nuôi bò thịt; 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm Biogas bằng Composite, nhựa HDPE và máy ép phân; 65% số trại chăn nuôi bò sữa; 28% số trại chăn nuôi bò thịt; 29% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi; 100% trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm sử thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, đối với các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trâu, dê có 69 trang trại sử dụng thức ăn bổ sung, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn hỗn hợp (TMR).
Trong liên kết sản xuất chuỗi đã hoàn thiện 31 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giết mổ tiêu thụ sản phẩm (điển hình ở Quốc Oai 03 chuỗi; Chương Mỹ 05 chuỗi, Thanh Oai 01 chuỗi; Thường Tín 07 chuỗi ...). Trong quản lý dịch bệnh các trang trại chăn nuôi có quy trình chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng vắc xin định kỳ theo quy định, định kỳ khử trùng chuồng trại, lấy mẫu kiểm tra kháng thể. Có 498 trang trại được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; có 42 trang trại chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGap. Đặc biệt, điểm nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của Hà Nội thời gian qua là sản xuất con giống. Nhờ đó, đã có 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại (Landrace, Yorshire, Duroc... được thụ tinh nhân tạo giống cao sản Duroc, Pietrain...); 100% trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao (như Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308, Hubbard lai gà Mía… ). Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản (như: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus...) tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa đã đạt 100 %, bò thịt đạt trên 80 %; một số trại đã áp dụng sử dụng tinh phân ly giới tính giống HF thuần chủng, cấy truyền phôi, có 02 cơ sở sản xuất tinh đông lạnh trâu, bò… Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi của Hà Nội có những bước đột phá về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp của Thành phố như Công ty Cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh); Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội; HTX Hoàng Long, HTX Hòa Mỹ, HTX chăn nuôi và tiêu thụ Gà đồi Ba Vì, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Vinh Anh Công ty Jafa, Công ty CP, Công ty Dabaco, Công ty CJ Việt Nam ...
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được việc ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi cũng còn nhiều thách thức đó là việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi hiện chưa đồng bộ, toàn phần mà chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Do đó việc chứng nhận mô hình công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Khi xây dựng trang trại công nghệ cao còn thiếu những công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu chưa tạo ra được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất như ở các nước tiên tiến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Thành phố. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều bất cập do vốn sử dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống; vốn sử dụng sử dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống do đó chăn nuôi công nghệ cao còn gặp khó khăn; quỹ đất hạn chế, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án công nghệ cao ở Hà Nội cao hơn so với các tỉnh, thành phố lân cận; mặt khác thời hạn cho thuê đất hiện nay ngắn (5 năm), sau đó phải đấu giá lại mới được thuê tiếp nên người dân, doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư lâu dài. Khi xây dựng trang trại công nghệ cao còn thiếu những công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu chưa tạo ra được sự đột biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất như ở các nước tiến tiến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính Phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố đã ban hành tại Quyết định 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND thành phố Hà Nội rất khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích là quá lớn, không phù hợp với địa phương. Trong danh mục các sản phẩm được hỗ trợ chỉ giới hạn một số loại cây trồng, vật nuôi nhất định, trong khi thực tế nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm ngoài danh mục có tiềm năng phát triển tốt nhưng chưa được hỗ trợ. Phương thức hỗ trợ theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư rất khó triển khai do nhu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn.
Về cơ hội: Từ đầu năm 2022 đến nay khi dịch bệnh Covit 19 đã được khống chế, tất cả các hoạt động kinh tế xã hội trở lại trạng thái bình thường, đặc biệt ngành du lịch hoạt động trở lại, các nhà hàng, khách sạn mở cửa, các trường học, bếp ăn tập thể hoạt động trở lại chắc chắn đây là cơ hội lớn để việc tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật tăng trở lại. Hiện nay Hà Nội với trên 10 triệu dân bình quân tiêu thụ một ngày khoảng 800 - 900 tấn động vật và sản phẩm động vật trong đó thịt bò Hà Nội mới đáp ưng khoảng trên 20 %, thịt lợn trên 90 %, sữa khoàng 30 % số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài và các tỉnh. Bên cạnh đó Hà Nội còn là nơi giao thoa, trung tâm thương mại lớn của cả nước trong đó có việc tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật. Có chợ đầu mối tiêu thụ gia cầm sống (Hà Vĩ - Thường Tín) lớn nhất cả nược tiêu thụ khoảng 40 - 60 ngàn con/ngày, cơ sở giết mổ tập trung (Vạn Phúc - Thanh Trì) giết mổ khoảng 1400 - 1600 con/ngày; Cơ sở giết mổ gia cầm công ty Cp (Chương Mỹ) công suất 64 ngàn con/ngày; Công ty Lan Vinh khoảng 5 ngàn con/ngày; Công ty Đông Thành (Đông Anh) chăn nuôi và giết mổ bò nhập ngoại. Đây cũng chính là cơ hội để chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên địa bàn Thành phố thời gian tới.
Về giải pháp: Tiếp tục rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thành phố. Xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế; đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Có kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung ruộng, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao; thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đề nghị Trung ương và Hội đồng nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp. Rà soát, bổ sung các đối tượng áp dụng cho phù hợp với thực tế và thực hiện hỗ trợ tương đương các mức quy định hiện có đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp:
Đào tạo nguồn nhân lực, đây cũng là giải pháp mạnh để có đội ngũ cán bộ từ quản lý đến cán bộ kỹ thuật, người chăn nuôi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đối với công nghệ cao. Phương thức đào tạo ở nước ngoài đối với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến (Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan...) và đào tạo trong nước đối với hệ thống kỹ thuật và người chăn nuôi. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa nông nghiệp như: ngành chế tạo náy nông nghiệp, ngành hóa chất nông nghiệp, ngành sinh học, ngành sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, thiết bị giết mổ, máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Tăng cường tổ chức tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghiệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo nơi giao dịch công nghệ cao trong nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet (từng bước hình thành website hoặc chuyên trang trên website của Thành phố về công nghệ cao trong nông nghiệp Hà Nội) để cho mọi người dân có thể tiếp cận được về các công nghệ cao, các kết quả ứng dụng công nghệ cao, các mô hình phát triển công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố. Hỗ trợ để cơ bản các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở vùng chuyên canh tập trung trồng cây nông nghiệp chủ lực của thành phố đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.
Khó khăn, thách thức cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi bứt phá, mạnh dạn đầu tư đồng thời cũng là cơ hội để các chính sách về ứng dụng công nghệ cao của Trung ương và Thành phố đi vào thực tiến sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)