Tái đàn chăn nuôi sau Tết: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh
Sau vụ gia tăng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh.


 

Hà Nội đang tích cực triển khai xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Trong ảnh: Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Bảo đảm nguồn cung thực phẩm

Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), trong dịp Tết Nguyên đán, trang trại của gia đình đã bán ra thị trường hơn 10 tấn thịt lợn, chiếm 50% tổng đàn. Từ nay đến tháng 3-2022, trang trại tập trung thực hiện tái đàn chăn nuôi, dự kiến tăng tổng đàn lợn lên hơn 200 con.

Còn ông Bạch Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá gia cầm tăng cao nên người chăn nuôi có lãi. Mới đây, gia đình tôi đã nhập hơn 100 con gà giống về nuôi gối vụ, nhưng hiện nay giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, nên hy vọng với trạng thái bình thường mới, giá gia cầm sẽ ổn định trở lại...”.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng thông tin, đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản vẫn ổn định, không phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường sau Tết Nguyên đán, huyện đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đến nay tổng đàn lợn toàn huyện là 203 nghìn con; đàn trâu, bò 14,7 nghìn con; đàn gia cầm 6,15 triệu con.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã đang đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tính đến hết tháng 1-2022, tổng đàn trâu, bò của Hà Nội là 171.251 con; đàn lợn hơn 1,5 triệu con; đàn gia cầm hơn 32,6 triệu con…, cơ bản bảo đảm nguồn cung cho thị trường Thủ đô.

Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Hiện tại là thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm rất cao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tăng cường hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Ở góc độ của người sản xuất, ông Nguyễn Văn Hải, xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) thông tin, trang trại của gia đình đang nuôi hơn 700 con lợn, trước khi tái đàn đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Đối với con giống, sau khi kiểm tra hồ sơ kiểm định chất lượng, sẽ nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, để chuẩn bị cho việc tái đàn và phòng, chống dịch bệnh, trang trại đã tiến hành tổng vệ sinh, sát trùng toàn bộ chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, để công tác tái đàn mang lại hiệu quả cao nhất, huyện đã thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin, thuốc sát trùng… cho các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục mở các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho nông dân; xây dựng các chuỗi liên kết và đẩy mạnh xúc tiến thương mại...

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Khi tái đàn vật nuôi, cần chọn con giống tốt, sạch bệnh; đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng… Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tham mưu thành phố có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực) để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình phát triển chăn nuôi an toàn.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2022 là 4-5%; sản lượng thịt các loại khoảng 6,44 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2021)..., các địa phương, trong đó có Hà Nội, cần tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, nhất là đối với chăn nuôi lợn; đồng thời triển khai phòng, chống dịch bệnh, như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò… Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn, theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới là nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm trong sản xuất. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước cũng như trên thế giới..., từ đó có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7972
Tổng lượng truy cập: 25344896