Đầu xuân gặp những tỷ phú nông dân
Với đức tính cần cù, chịu khó, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” , trong năm Tân Sửu - 2021, những tỷ phú nông dân Hà Nội đã vượt qua nhiều thách thức, duy trì, phát triển các mô hình kinh tế nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp. Trong năm Nhâm Dần - 2022, cánh cửa của thời đại công nghệ 4.0 áp dụng vào nông nghiệp đang mở ra niềm hy vọng mới cho những người biết cần mẫn, chắt chiu cho những mùa vàng bội thu.
 
                              Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của bà Phạm Thị Lệ (huyện Chương Mỹ) cho hiệu quả kinh tế cao.

Không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai...

Một mùa xuân mới đã rạo rực trên những nhành non, lộc biếc với sắc thắm hoa đào mang theo bao ước vọng về một năm mới thịnh vượng. Trong không khí ấm áp của ngày đầu xuân, chúng tôi về lại các miền quê, nơi chất chứa những câu chuyện khởi nghiệp của người nông dân cần cù, ham học hỏi.

Bà Phạm Thị Lệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, nơi nhiều bậc tiền bối đã khổ tứ, lao tâm phát triển kinh tế trang trại ở xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ. Trong câu chuyện liên tục đứt quãng vì các đơn hàng ngày Tết, bà Phạm Thị Lệ kể: “Năm 2010, tôi bắt đầu vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Chuồng trại nhỏ bé, kiến thức về chăn nuôi chưa tích lũy được bao nhiêu nên loay hoay với 1.000 con gà đã mệt. Thế rồi vừa tích lũy vốn, kỹ thuật chăn nuôi, vừa đầu tư mở rộng quy mô, đến nay trang trại đã có tới hơn 5.000 con gà, cho thu hoạch 4.300-4.500 quả trứng/ngày, với giá bán 2.200-2.800 đồng/quả, mỗi năm thu nhập khoảng 1-2 tỷ đồng”... Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Chia sẻ về con đường dẫn tới thành công như ngày hôm nay, bà Phạm Thị Lệ cho biết: Hơn 10 năm đổ mồ hôi với mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, khó khăn không kể hết bởi phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài như: Giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh luôn cận kề… cùng với việc tham khảo kiến thức chăn nuôi từ sách báo, tham quan học hỏi các mô hình tương tự để rút kinh nghiệm cho bản thân, tôi đã chú trọng tìm hiểu và nghiên cứu thị trường để có định hướng phù hợp.

Rời trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng ở huyện Chương Mỹ, chúng tôi tới mô hình trang trại tổng hợp của bà Phùng Thị Thơ nằm sâu trong vùng đất đồi ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Với 12ha đất trống đồi trọc trước đây, nay đã được phủ nhiều loại cây ăn quả trĩu cành và những chuồng trại chăn nuôi “đặc sản”.

Nhiệt huyết với công việc nhà nông, năm 1997, thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế, phủ xanh đất trống đồi trọc của địa phương, bà Phùng Thị Thơ (sinh năm 1955) đã mạnh dạn bàn với gia đình nhận 12ha đất đồi cằn cỗi để xây dựng trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng gồm: 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 11ha trồng 1.000 cây bưởi Diễn, 25 vạn cây dứa; 1.000m2 chuồng trại nuôi 15 lợn nái, 100 lợn thịt, 10.000 gà thả đồi và các loại đặc sản như nhím, lợn rừng… Sau hơn 20 năm dày công gây dựng, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, cho doanh thu hơn 20 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ lợn, gia cầm dù khó khăn, nhưng do ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, sản phẩm của trang trại vẫn đều đặn đưa ra thị trường.

Mỗi người nông dân có cách làm riêng để làm giàu cho mình, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tân Sửu - 2021 thật sự là một năm đầy khó khăn với những người làm nghề chăn nuôi nói chung. Tuy nhiên, với tiềm lực sẵn có lại đúc rút kinh nghiệm từ nhiều năm gắn bó với nghề nuôi con giống, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) đã vượt qua mọi thách thức, ổn định sản xuất kinh doanh. Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng - Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Để có một cơ ngơi như bây giờ không phải là chuyện ngày một ngày hai, cũng không hề đơn giản. Năm 2015, khi Nhà nước thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi đã cải tạo khu đất ruộng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, với quy mô chuồng trại 12.000m2 sử dụng công nghệ tự động hóa cho sản lượng đạt 1,6 vạn con gà giống/ngày, đem lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm.

Trong câu chuyện làm giàu của người nông dân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Ở những ngành nghề khác nhau, mỗi người một cách làm giàu, những người nông dân Hà Nội không chỉ cần cù, chịu khó mà còn “dám nghĩ, dám làm”, xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế, mang lại thu nhập cao... Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, họ chính là “hạt nhân” của phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.

Cùng làm giàu, cùng xây dựng quê hương

Không chỉ làm giàu cho gia đình, những tỷ phú nông dân Hà Nội với tinh thần “tương thân, tương ái” đã giúp các hộ nông dân khác cả về vốn liếng, cây con giống lẫn kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh với mong muốn mọi người cùng nhau vươn lên làm giàu, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông thông tin với phóng viên Báo Hànộimới: Bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại là người tiên phong trong phát triển mô hình sản xuất gắn với chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, trang trại đang tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 4-8 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, gia đình bà Phùng Thị Thơ còn chủ động nhận giúp 5-7 hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cảm kích trước sự giúp đỡ của bà Phùng Thị Thơ, ông Phùng Văn Sơn ở thôn Vật Lại 1, xã Vật Lại chia sẻ: “Là người đi trước, có kinh nghiệm, bà Thơ hướng dẫn tôi cách trồng, chăm sóc cây bưởi Diễn và kết nối "đầu ra" cho sản phẩm… Nhờ đó, mô hình trồng bưởi Diễn theo hướng VietGAP của gia đình tôi đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét… Năm nay, bưởi Diễn được mùa, giá có thấp hơn so với mọi năm, nhưng vẫn cho thu nhập ổn định. Một mùa xuân nữa lại về, hy vọng sang năm thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp sẽ ổn định hơn…”.

Là một tỷ phú nông dân, ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn là người có tấm lòng thiện nguyện. Hiện ông hỗ trợ Quỹ Khuyến học ở thôn Hà Lỗ gần 50 triệu đồng; ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hơn 40 triệu đồng… "Mong muốn chia sẻ khó khăn cùng người nghèo, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương nên khi xã phát động các phong trào, tôi đều ủng hộ..." - ông Hoàng Mạnh Ngọc nói. Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, ông được công nhận là một trong 18 nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2021. “Trong năm Nhâm Dần, tôi tiếp tục đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất và mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố khác…” - ông Hoàng Mạnh Ngọc cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, thời gian qua, có rất nhiều hội viên nông dân xuất sắc, bằng nghị lực và sự sáng tạo đã tạo nên thành quả đáng khâm phục trên nhiều lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến... Không chỉ giỏi sản xuất, kinh doanh, họ còn là những người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ nhau làm giàu. Đây là những tấm gương sáng góp phần vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô.

Một mùa xuân nữa lại đến, với bản chất cần cù, chịu khó lại có tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, những người nông dân Hà Nội đã và đang vượt qua khó khăn thách thức, thúc đẩy các mô hình kinh tế nông nghiệp theo xu thế phát triển của thời đại 4.0 để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hy vọng những tỷ phú nông dân sẽ có thêm kỳ tích trong phát triển các mô hình kinh tế nông thôn, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại; xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7985
Tổng lượng truy cập: 25344896