Gia tăng sản lượng chăn nuôi
Nhiều tháng qua, trang trại chăn nuôi gà vi sinh của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hiện, trung bình mỗi tháng, hàng chục tấn thịt gà sơ chế, hút chân không vẫn được gia đình chị cung ứng cho thị trường.
Trong khi đó, thương hiệu thịt lợn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cũng duy trì nguồn cung khá tốt cho người tiêu dùng Thủ đô trong những tháng đã qua của năm 2021. “Trang trại chăn nuôi của hợp tác xã xây dựng được mối liên kết tiêu thụ với kênh phân phối nên ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh đến chuỗi cung ứng” – Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết.
Kiểm tra sức khoẻ đàn lợn giống tại một trang trại chăn nuôi ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng. |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn TP vẫn phát triển khá ổn định. So với cùng kỳ 2020, tổng đàn trâu toàn TP hiện có 28.189 con, tăng 13%; đàn bò 138.718 con, tăng 6,7%; đàn lợn 1,477 triệu con, tăng 14%; tổng đàn gia cầm đạt 38 triệu con, tương đương cùng kỳ.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ở tất cả nhóm ngành hàng đều tăng. Trong đó, riêng thịt lợn đạt 168.000 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2020. So với cùng kỳ, sản lượng trứng gia cầm đạt gần 2 tỷ quả, tăng 7,1%. Qua đó, góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường Hà Nội, nhất là trong thời gian Hà Nội phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Chú trọng chăn nuôi an toàn
Trong bối cảnh dịch Covid-19 và dịch bệnh động vật còn diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển chăn nuôi rõ ràng. Dự kiến trong 3 tháng tới, nguồn cung thịt động vật sẽ được duy trì, với sản lượng thịt trâu, bò, lợn và thịt gia cầm tương ứng là: 465 tấn, 28.000 tấn, 62.000 tấn và 42.000 tấn. Bên cạnh đó là 640 triệu quả trứng gà.
Đánh giá tình hình những tháng cuối năm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Vũ Văn Dũng cho biết nguy cơ tái phát dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… hiện còn tiềm ẩn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Giá cả thị trường chưa ổn định ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tâm lý của người chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng cao cũng khiến rất nhiều nông hộ dè dặt trong tái đàn, tăng đàn vật nuôi.
“Những tháng cuối năm, Hà Nội đặt mục tiêu tập trung phát triển chăn nuôi bò và lợn để gia tăng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Ổn định chăn nuôi trâu và gia cầm. Phấn đấu đến cuối năm 2021, Hà Nội phấn đấu tổng đàn trâu, bò đạt lần lượt 27.000 con và 135.000 con. Phát triển đàn lợn ở mức 1,6 - 18 triệu con. Giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con…” - ông Vũ Văn Dũng cho hay.
Để đạt được mục tiêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các chi cục, phòng ban phối hợp với địa phương hướng dẫn cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn sinh học. Chú trọng lựa chọn con giống vật nuôi chất lượng để nâng cao giá trị như: Bò Zebu, BBB, Wagyu…; các giống gà Sasso, Ross 208, Ai Cập… Áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ…
Ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của T.Ư và Hà Nội. Đồng thời khuyến khích hộ chăn nuôi phát triển trang trại để kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)