Giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm thời điểm cuối năm tại Hà Nội
Trước tình hình mới trong bối cảnh dịch Covid còn diễn biến phức tạp,có nơi, có khu vực tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, để đảm bảo an toàn dịch bệnh đàn gia súc gia cầm, không để đứt gãy chuỗi sản xuất đáp ứng nguồn thực phầm cho người dân Thủ Đô, ngành Nông nghiệp đã và đang tập trưng cao độ thực hiện một số giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm thời điểm cuối năm.

Mặc dù bị tác động lớn do dich bệnh Covid 19 song hiện tại đàn gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố vẫn phát triển ổn với số lượng đàn trâu bò là 164 ngàn con (bò sữa hơn 14 ngàn con). Đàn lợn 1,45 triệu con, đàn gia cầm 38 triệu con. Ttrên địa bàn Thành phố có 7.528 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ ngoài khu dân cư và 76 xã chăn nuôi trọng điểm. Hàng năm sản xuất trên 55 nghìn con bê giống các loại, gần 4 triệu con lợn giống, trên 150 triệu con gia cầm, thủy cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đầu năm 2021 thịt trâu đạt 1.231 tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ; thịt bò đạt 7.132 tấn, tăng 0,3% so cùng kỳ; thịt lợn 145.6 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ; thịt gia cầm 108.3 nghìn tấn, tăng 6,1% so cùng kỳ; trứng gia cầm các loại 1.702 triệu quả, tăng 8%; sữa tươi 21 nghìn tấn.

Số lượng, quy mô chăn nuôi lớn nên các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho chăn nuôi cũng rất lớn với 1.063 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trong đó có 26 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp và thức ăn bổ sung, 1.037 cơ sở kinh doanh thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc cho động vật. Số cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn là 692 cơ sở tăng 4,5 % so với năm 2020; Trên địa bàn thành phố hiện có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc gia cầm (trong đó có 84 cơ sở có giết mổ trâu bò, 208 cơ sở có giết mổ lợn, 439 cơ sở có giết mổ gia cầm, 5 cơ sở giết mổ động vật khác); 104 cơ sở khám chữa bệnh động vật; 368 cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm (thủ công là 205 cơ sở, công nghiệp là 160 cơ sở).

Về nhu cầu tiêu thụ, Hà Nội với khoảng 10 triệu dân nhu cầu sử dụng thịt lợn khoảng 19.260 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 19.000 tấn/tháng (đạt 98,6%); thịt trâu, bò nhu cầu một tháng là 5.350 tấn/tháng, đáp ứng được 1.052 tấn/tháng (đạt 19,6%); thịt gia cầm nhu cầu là 6.198 tấn/tháng, đáp ứng 13.500 tấn/ tháng, như vậy sản lượng xuất chuồng thịt gia cầm trên địa bàn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; trứng gia cầm nhu cầu sử dụng 123,9 triệu quả/tháng, khả năng sản xuất đạt 200 triệu quả/tháng, đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Thành phố. Riêng với thực phẩm chế biến nhu cầu tiêu dùng 5.165 tấn/tháng, đáp ứng khoảng 1.000 tấn/tháng (đạt 19%), nhu cầu cần cung cấp từ nhập khẩu và từ các tỉnh, thành phố khác là 4.165 tấn/tháng (81%);

Kết quả công tác phòng chống dịch bệnh 9 tháng đầu năm 2021 được ghi nhận đó là dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố cơ bản ổn định đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Tai xanh ở lợn, LMLM gia súc, bệnh Dại chó mèo …). Đối với bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra một số ổ dịch nhưng đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời (đã tiêu hủy 69 ngàn con). Riêng dịch Cúm gia cầm Chủng Cúm A/H5N8 (chủng mới) xảy ra 2 ổ dịch tại Ba Vì (tiêu hủy 1.778 con) đã được khống chế ngay không để phát sinh trên diện rộng Bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xảy ra từ cuối năm 2020 nhưng đã được khống chế hiệu quả ngay. Từ cuối năm 2020 đến nay chỉ xảy ra 11 ổ dịch (tại 04 huyện) tống số mắc 21 con, tiêu hủy 05 con, hiện tại không phát sinh. Đối với bệnh DTLCP được khống chế tốt, từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra ở 15 hộ, tiêu hủy 446 con, hiện nay không phát sinh. Đối với các bệnh thông thường xảy ra với tính chất lẻ tẻ, tỷ lệ ốm, chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao.

 

 

Huyện Phúc Thọ tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm

Dự báo tình hình bệnh dịch và những khó khăn trong thời gian tới:

Hiện nay Dịch bệnh Covid19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh do phải giãn cách xã hội, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vận chuyển lưu thông, nhân lực, vật lực có nhiều biến động khó lường, có cơ sở giết mổ phải tạm dừng hoạt động. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vác xin, bệnh Cúm gia cầm đã xuất hiện các biến chủng mới (đã xảy ra Cúm A/H5N8). Số lượng đàn gia súc gia cầm lớn nhưng thực tế chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng tỷ lệ còn cao, có nhiều cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối lớn hàng ngày nhập gia súc gia cầm từ nhiều nơi về như cơ sở Chăn nuôi và giết mổ Công ty Đông Thành (huyện Đông Anh) với hàng vạn bò thịt nhập từ nước ngoài về (hiện tại khoảng 11 ngàn con), hàng ngày giết mổ khoảng 30 – 50 con/ngày, ở trạng thái bình thường giết mổ khoảng 100-120 con/ngày; cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ bình quân khoảng 1300 – 1500 con/ngày; cơ sở giết mổ lợn Minh Hiền (Thanh Oai) giết mổ 600 – 800 con/ngày; 03 cơ sở giết mổ lợn tại Chương Mỹ giết mổ 400 – 500 con/ngày; chợ Hà Vĩ tiêu thụ 25- 30 ngàn con gia cầm sống/ngày nên việc kiểm soát rất khó khăn. Bên cạnh đó thời điểm cuối năm cũng là thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, người dân tập trung phát triển kinh tế, lưu lượng vận chuyển động vật và sản phẩm động tăng, biến động , cùng với điều kiện, thời tiết khí hậu chuyển giao mùa có những biến động bất thường, mưa phùn kéo dài nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc gia cầm là rất cao. Đặc biệt các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh (như Viêm da nổi cục trên trâu bò, Cúm A/H5N8 …) kể cả những bệnh truyền lây giữa người và động vật.

Về Giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh đàn gia súc gia cầm từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022:

Trước mắt duy trì cơ cấu số lượng đàn, tập trung tại các huyện có quy mô chăn nuôi lớn (gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ …); với số lượng đàn gia cầm khoảng 38 triệu con, đàn lợn 1,6 triệu con, đàn trâu bò thịt 130 ngàn con, 164 ngàn con; tạo điều kiện để liên kết chuỗi hoạt động hiệu quả nhất là các chuỗi chăn nuôi gà đồi Ba Vì, gà Đồi Sóc Sơn, HTX Chăn nuôi Hoàng Long, Hòa Mỹ. Phát triển chăn nuôi vịt ở một số huyện, nhất là các trang trại chăn nuôi vịt công nghệ cao (nuôi trong trang trại chuồng kín)

Về công tác phòng chống dịch bệnh, đề xuất Thành phố ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng thú y và người trục tiếp tham gia hoạt động chăn nuôi, Thú y (người kinh doanh gia súc gia cầm, giết mổ, hộ chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y ...) Đến nay cơ bản các lực lượng này đã được tiêm phòng để trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. Tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới Thú y cơ sở trước tình hình, nhiệm vụ mới vừa phòng chống dịch Covid vừa triển khai các nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với bối cảnh của các địa phương.

Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng đại trà các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm (vụ Thu – Đông) và tiêm phòng bổ sung vào các tháng cuối năm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; Giám chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở để phát hiện, xử lý kịp thời khi phát sinh ổ dịch, thực hiện việc giám sát sau tiêm phòng đạt hiệu giá kháng thể bảo hộ cho đàn vật nuôi; Đồng thời thực hiện tốt các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn Thành phố (dự kiến từ nay đến đầu năm 2022 là 03 đợt), trong đó tập trung cao độ 02 đợt trước và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán, mùa Lễ hội.

Về chính sách tiếp tục tham mưu, hướng dẫn các hộ chăn nuôi được hưởng các chính sách về phát triển chăn nuôi, giết mổ. Đảm bảo vật tư, hóa chất cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh, tham mưu Thành phố và phối hợp với các quận huyện đảm bảo nguồn kinh phí để hỗ trợ người chăn nuôi không may có gia súc gia cầm phải tiêu hủy theo quy định.

Rà soát các phương án hoạt động để duy trì hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, nhất là các cơ sở lớn; đảm bảo về nhân lực, kiểm soát chặt chẽ số gia súc gia cầm nhập vào từ các địa phương; Tăng cường hoạt động tại các chốt kiểm dịch tại cơ sở giết mổ, cập nhật, thông tin đầu vào, đầu ra của sản phẩm, nhất là từ các địa phương đã và đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao; Duy trì hoạt động có hiệu quả 42 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh bao gồm 04 cơ sở chăn nuôi bò; 01 cơ sở chăn nuôi dê, 23 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm; 04 quận an toàn bệnh đại (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Ba Đình).

Về quản lý, tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;

Hợp tác với các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý giết mổ; tiếp tục thực hiện giải pháp đưa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Duy trì hoạt động các Chốt kiểm dịch tại các vùng giáp ranh với các tỉnh, thành và các cơ sở giết mổ tập trung (Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Đông Anh …)

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, giết mổ gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn. Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền để các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi chủ động chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác Thi đua khen thưởng, kịp thời đông viên hộ chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi và lực lượng cán bộ thú y để tạo động lực mới trước những khó khăn thách thức của ngành trong thời gian tới./.

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4265
Tổng lượng truy cập: 22002747