Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi nông hộ
Chăn nuôi nông hộ là thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên để thúc đẩy hiệu quả sản xuất cho lĩnh vực này, vẫn còn nhiều việc cần làm.

Chính sách sát sườn nông hộ

Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn top đầu của cả nước. Ngoài 40 triệu con gia cầm (đứng đầu cả nước), tổng đàn lợn của Hà Nội hiện có khoảng 1,57 triệu con và 164.000 con trâu, bò. Toàn TP có 7.528 trang trại chăn nuôi, 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Chất lượng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội ngày một được cải thiện. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò sữa trên địa bàn TP đạt 100%; con số này là 80% ở bò thịt. Nhiều giống gia súc, gia cầm được nhập từ những nước nông nghiệp phát triển đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi lợn tại xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng.
 

Mặc dù có số lượng gia súc, gia cầm lớn, nhưng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với hơn 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô, sản lượng thịt lợn hiện mới hơi đáp ứng được 92,6%. Trong khi mức đáp ứng tiêu dùng của trứng gia cầm là 95%, thịt bò 14,5%…

Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi. Đơn cử như: Hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh nhân tạo khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản; Hỗ trợ chi phí tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và dịch tả lợn; Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba…

Một số dự án chăn nuôi lớn cũng đang được Hà Nội triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình là dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1 hướng thịt”, với thành quả là 130.000 bê lai F1 BBB. Dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho về 10.000 con bê lai Wagyu và 1.338 con bê BBB sinh ra từ tinh phân ly giới tính.

Đặc biệt, dự án “Chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm” với trên 20 mô hình chuỗi thu hút sự tham gia của gần 3.000 nông hộ và trên 1.000 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã. 5 nhãn hiệu tập thể và trên 30 nhãn hiệu hàng hóa đã được ra đời từ dự án này.

Cần thêm hỗ trợ

Hoạt động chăn nuôi của Hà Nội có những chuyển biến mạnh mẽ, nhưng không vì thế mà đã hết những hạn chế. Nguyên nhân theo đánh giá là bởi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%). Tiến độ triển khai các dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm. Xây dựng liên kết chuỗi, chế biến sâu, nhãn hiệu thương hiệu sản phẩm còn nhiều khó khăn…

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi nông hộ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm nghiên cứu đề xuất Chính phủ tiếp tục có chính sách về sử dụng đất đai, tạo điều kiện về tư liệu sản xuất này cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ sản xuất. Thực tế cho thấy, không có tài nguyên đất, sẽ rất khó để có thể triển khai thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi quy mô lớn; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Trong bối cảnh dịch bệnh động vật có những diễn biến rất phức tạp, Bộ NN&PTNT cũng cần có chính sách tăng chế độ tiền công cho những người trực tiếp tham gia chống dịch (tiêm phòng, vệ sinh môi trường, tiêu huỷ động vật). Tiếp tục cho duy trì hệ thống mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn, cùng với đó là nâng mức chế độ phụ cấp tương ứng ngành nghề đào tạo để đảm bảo thực thi nhiệm vụ tại cơ sở, bởi thực tế chế độ không chuyên trách đối với lực lượng này còn thấp. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng và di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư phù hợp với Luật Chăn nuôi.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1553
Tổng lượng truy cập: 25357476