Đại dịch Covid trên Thế giới và tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đợt dịch bùng phát từ 27/4/2021 đến nay có tốc độ lây lan và số ca mắc tăng nhanh ở nhiều tỉnh, thành trong đó có Hà Nội. Để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh, từ 24/7/2021 đến nay, Hà Nội đã phải thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Mọi hoạt động về kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, thay đổi khó lường, trong đó có hoạt động kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, thậm trí có cơ sở phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Hà Nội hiện có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ trong đó có 84 cơ sở có giết mổ trâu bò, 208 cơ sở có giết mổ lợn, 439 cơ sở có giết mổ gia cầm, 05 cơ sở giết mổ động vật khác. Có 07 cơ sở giết mổ công nghiệp (tại huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm); bán công nghiệp có 58 cơ sở; giết mổ thủ công có 673 cơ sở. Đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất. Có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây truyền giết mổ hiện đại nhưng chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế (như cơ sở giết mổ Vinh Anh - Thường Tín); có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ (Foodex- Đan Phượng) hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động (cơ sở Minh Hiền – Thanh Oai). Điểm chung của các cơ sở giết mổ này, đều có địa điểm sản xuất tách biệt với các nguồn ô nhiễm (như chuồng nuôi động vật, bệnh viện, nghĩa trang,...); bảo đảm các tiêu chí về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; là nguồn cung cấp sản phẩm động vật an toàn cho người tiêu dùng cho người dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, do phương thức chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn nhỏ lẻ, tận dụng (khoảng gần 60 %) nên cũng tồn tại song song các cơ sở với phương thức giết mổ nhỏ lẻ, thủ công (673 cơ sở). Hoạt động giết mổ nhỏ lẻ thường rất đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công, nằm rải rác ở hầu hết các khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã (riêng huyện Thanh Trì không còn điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ) do vậy chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đa số các điểm, hộ giết mổ này chưa được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ hàng ngày.
Những năm qua, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp các ngành việc quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn Thành phố đã thu được những kết quả tích cực. Số lượng gia súc gia cầm được kiểm soát tăng góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Về số lượng năm 2020 tổng số động vật được kiểm soát giết mổ là 14, 8 triệu con (trâu bò, lợn, gà) riêng kiểm soát lợn giết mổ tăng trên 10 % so cùng kỳ; 08 tháng đầu năm 2021 tổng số động vật đã kiểm soát khỏng 8,6 triệu con, riêng kiểm soát lợn giết mổ tăng trên 30 % so cùng kỳ. Thời điểm bình thường tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp đã được kiểm soát trên địa bàn Thành phố đạt trên 420 tấn/ngày; cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 100 tấn/ngày, lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn Thành phố được kiểm soát là trên 60 % so với nhu cầu tiêu thụ thịt của Thành phố.
Thời gian qua các huyện cũng đang tập trung thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”; với tổng số 29 cơ sở (08 cơ sở công nghiệp; 08 cơ sở tập trung, 13 cơ sở tâp trung quy mô nhỏ). Đến nay có 10/29 cơ sở đã được đầu tư, đang hoạt động hiệu quả (đạt 34,5% số cơ sở theo quy hoạch của Thành phố).
Thực trạng hoạt động của các cơ sở giết mổ trong thời gian giãn cách xã hội (từ 24/7/2021 đến nay).
Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động chung của các cơ sở giết mổ gặp rất nhiều khó khăn, một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải tạm dừng giết mổ.
Những nguyên nhân chủ yếu đó là: Do cơ sở giết mổ nằm trong vùng cách ly, vùng phong tỏa, chưa có “phương án” cụ thể về phòng chống dịch Covid theo quy định; do thị trường tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm bị thu hẹp, khó tiêu thụ nhất là tiêu thụ ở các trường học, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; do gặp khó khăn cả đầu ra, đầu vào của sản phẩm trong thời gian giãn cách; do thu nhập lợi nhuận của chủ cơ sở không đảm bảo, không đủ chi phí cho các hoạt động như ở trạng thái bình thường.
Về lực lượng người tham gia hoạt động tại các cơ sở giết mổ, nhất là các cơ sở giêt mổ tập trung (Tại Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm ...) cũng rất lớn. Thành phần, đối tượng hoạt ngày tại cơ sở là rất đa dạng bao gồm cán bộ Ban quản lý lò mổ, an ninh, bảo vệ, lực lượng thú y kiểm soát, công nhân trực tiếp giết mổ, chủ hộ giêt mổ và nhiều nhất các đối tượng là chủ hộ kinh doanh buôn bán mang gia súc gia cầm sau giết mổ đi các siêu thị, chợ. Với những cơ sở giết mổ tập trung lớn như Vạn Phúc (Thanh Trì), Minh Hiền (Thanh Oai), 03 cơ sở tại Chương Mỹ nếu như ở trang thái hoạt động bình thường, hàng ngày lực lượng này lên tới vài trăm người, thậm trí những dịp giáp tết Nguyên Đán lên tới cả ngàn người ra vào hoạt động.
Trong những ngày giãn cách xã hội các cơ sở giết mổ đã phải xây dựng phương án về phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của chính quyền địa phương với những giải pháp đồng bộ như phương án “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc); có chốt kiểm dịch y tế phía ngoài lò mổ để kiểm soát chặt chẽ người ra. vào; khống chế số người vào cơ sở theo số lượng gia súc gia cầm giết mổ để hạn chế tối đa số người ra vào cơ sở. Điển hình như cách quản lý lò mổ lợn Vạn Phúc (Thanh Trì), nếu như trước đây (ở trạng thái bình thường) chủ hộ kinh doanh nhỏ (chỉ 01 con hoặc ½ con lợn) cũng được ra, vào hoạt động thì giờ chỉ những chủ hộ kinh doanh từ 03 con trở lên mới được ra vào cơ sở hoạt động, với cách làm này đã giảm tối đa số người vào cơ sở, đảm bảo việc giãn cách giữa người với người theo quy định. Bên cạnh đó ngành Nông nghiệp đã đề nghị các quận huyện tập trung tổ chức tiêm phòng vác xin Covid cho các lực lượng tham gia vào các cơ sở giết mổ. Đến nay các lực lượng trên cơ bản đã được tiêm phòng vác xin Covit (đạt trên 80 %) theo quy định của ngành y tế trừ những người diện hoãn tiêm do cơ địa, bệnh nền hoặc những trường hợp bất khả kháng hoặc theo chỉ định của ngành Y tế.
Một số khó khăn của các cơ sở trong thời gian giãn cách: Việc giãn cách xã hội trên địa bàn đã ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào các cơ sở giết mổ. Ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng đang làm nhiệm vụ tại cơ sở cả về tâm lý và thu nhập song đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân hàng ngày nên vẫn phải đảm bảo duy trì thực hiện. Sự lây lan trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, một số người đang làm nhiệm vụ đã có tiếp xúc với người nhiễm bệnh (F0) trở thành đối tượng nhiễm bệnh ( F1, F2) nên buộc phải nghỉ việc để cách ly theo quy định. Thị trường tiêu thụ (nhà hàng, bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể … ) bị tạm dừng hoạt động phải đóng cửa nên nhu cầu mua thực phẩm của người dân giảm mạnh tác động lớn đến hoạt động giết mổ. Việc thực hiện phương án “3 tại chỗ ” đối với cơ sở giết mổ, người làm trong cơ sở đều gặp không ít khó khăn do người lao động phải thực hiện việc xét nghiệm, phải ăn nghỉ tại chỗ, mọi chi phí tăng cao, thu nhập lại thấp đi; bên cạnh đó các sinh hoạt đời thường của từng người bị đảo lộn, thay đổi thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình mới. Với các chủ cơ sở khi thực hiện "3 tại chỗ" mọi chi phí đều tăng từ việc vận chuyển lưu thông, bố trí nơi nghỉ cho người lao động đến việc tiêu thụ sản phẩm. Có cơ sở, sản phẩm thịt vẫn tiêu thụ được, nhưng phần phụ phẩm hầu như không tiêu thụ được (do các chuỗi nhà hàng, bếp ăn tạm dừng hoặc ngừng hoạt động), phụ phẩm phải cấp đông nên tăng thêm chi phí.
Đối với lực lượng tham gia hoạt động tại các cơ sở giết mổ số lượng đông, mặc dù đã được chính quyền các cấp quan tâm tổ chức tiêm phòng vắc xin song do hàng ngày vẫn phải tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau nên nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao, khi có lây nhiễm trong cộng đồng cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cả hoạt động của cơ sở giết mổ. Mặt khác công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở tập trung phải thực hiện thời điểm ban đêm (bắt đầu từ 11h hôm trước đến 6 h sáng hôm sau), trong qua trình đi làm nhiều người hiện phải qua rất nhiều các Chốt kiểm dịch y tế ở các địa điểm khác nhau (phải thực hiện trình báo cả lượt đi, lượt về) cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc tâm lý hành nghề trong thời gian giãn cách xã hội.
Dự báo trong thời gian tới: Diễn biến dịch bệnh Covid 19 còn phức tạp, nhiều nơi tiếp tục bị giãn cách, các cơ sở giết mổ tiếp tục gặp khó khăn trong việc nhập gia súc gia cầm về giết mổ, lưu thông vận chuyển gia súc gia cầm đã giết mổ đi tiêu thụ. Lực lượng thực hiện hoạt động giết mổ (chủ cơ sở, công nhân, phục vụ) không ổn định do bố trí việc làm, thu nhập không đảm bảo; có trường hợp nhiễm bệnh buộc phải cách ly theo quy định. Một số cơ sở giết mổ có thể tiếp tục bị đóng cửa, tạm dừng hoạt động do phát sinh dịch bệnh (lây nhiễm trong cộng đồng) ảnh hưởng nhiều đến duy trì hoạt động, thu nhập, bố trí nhân lực và các hoạt động liên quan khác. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ xuất hiện, kể cả trong vùng bị giãn cách, phong tỏa để tự cung, cầu (chủ yếu là lợn, gia cầm) trong khu vực gia đình, khu vực phong tỏa, giãn cách để tự cung cấp thực phẩm hàng ngày trong khu vực từ đó khó khăn trong công tác quản lý, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Các cấp chính quyền tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid tại các cơ sở giết mổ. Tiếp tục duy trì hoạt động của các Chốt kiểm dịch y tế ở ngay cơ sở hoặc vòng ngoài cơ sở giết mổ để siết chặt quản lý người ra, vào cơ sở giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ tập trung. Đảm bảo ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid cho các lực lượng hoạt động tại cơ sở giết mổ, các chủ hộ kinh doanh, vận chuyển ra vào cơ sở giết mổ với tỷ lệ cao nhất để tạo miễn dịch chủ động. Đối với các cơ sở giết mổi tập trung lớn (tại Thanh Trì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Đông Anh, Ga Lâm ...) đảm bảo nghiêm ngặt các phương án hoạt động đã được chính quyền địa phương phê duyệt chấp thuận. Tạo điều kiện tốt nhất để phương án "3 tại chỗ" được thực hiện phù hợp với từng cơ sở (ăn, nghỉ, làm việc tại cơ sở);
Đối với các cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp thường có số lượng người tham gia giết mổ, kinh doanh lớn do đó công tác phòng chống dịch Covid càng phải thực hiện nghiêm ngặt để cố gắng cao nhất duy trì hoạt động bình thường đáp ứng về số lượng gia súc gia cầm giết mổ cung ứng hàng ngày cho người tiêu dùng. Trường hợp một số cơ sở phát sinh phải tạm dừng hoạt động thì thực hiện phương án đưa về các cơ sở có đủ điều kiện giết mổ để khắc phục khó khăn về số lượng giết mổ hàng ngày (như cơ sở giết mổ Vinh Anh). Một số cơ sở thời gian qua phải tạm dừng hoạt động phải huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo có phương án giết mổ đúng quy đinh được chính quyền phê duyệt chấp thuận hoạt động trở lại (Chương Mỹ, Phú Xuyên ...).
Tăng cường làm công tác tuyên truyền để các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện đúng các quy định hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT (tại văn bản số 4884/BNN-TY ngày 03/8/2021) về việc thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời tiếp tục làm công tác kiểm tra, giám sát tại lò mổ, các chốt kiểm dịch gia súc, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông đến cơ sở giết mổ (đầu vào). Đối với ngành Thú y, đảm bảo lực lượng tham gia hoạt động kiểm soát tại tất cả các cơ sở giết mổ tập trung, bố trí kịp thời đối với các trường hợp cán bộ trong quá trình thực hiện không may bị nhiễm bệnh trong cộng đồng buộc phải cách ly. Tăng cường tuyên truyền để các lực lượng tham gia tại các cơ sở giết mổ chủ động sử dụng bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid ở mọi lúc mọi nơi (biện pháp 5K) để hạn chế thấp nhất bị lây nhiễm bệnh.
Các huyện tập trung thu hút các nhà đầu tư để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, công nghệ cao tại các địa điểm đã được quy hoạch (theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND Thành phố). Đề xuất Thành phố có chính sách đặc thù về hỗ trợ nhà đầu tư xây dưng các cơ sở giết mổ tập trung để giảm nhanh phương thức giết mổ nhỏ lẻ. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả về hỗ trợ phí giết mổ cho các chủ cơ sở (theo Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND Thành phố).
Với các giải pháp trên cùng sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân, các lực lượng tham gia hoạt động giết mổ, chắc chắn hoạt động giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố tiếp tục có chuyển biến tích cực nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid ./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)