Biến đầm hoang thành trang trại bạc tỷ
Từ một đầm hoang bên triền sông Thiên Đức, bằng tình yêu quê hương, gắn bó với nghề làm ruộng, ông Nguyễn Công Thịnh (SN 1957) ở thôn Quang Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm đã xây dựng thành công mô hình trang trại nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu mỗi năm lên đến vài tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Thịnh bên ao nuôi cá, phía xa là trại nuôi lợn. Ảnh: Hoàng Quyết
 

Là người dân địa phương, sau nhiều năm làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2008, nhận thấy hai bên triền sông Thiên Đức, nơi chảy qua địa phận xã Dương Quang có một đầm hoang bỏ không nhiều năm, ông Thịnh nảy ra ý định ''khơi dậy sức sống'' cho vùng đất này. Đúng vào thời điểm đó, UBND xã Dương Quang mở bán hồ sơ mời thầu, kèm theo đó là phương án sản xuất ở khu vực đầm hoang, ông Thịnh tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Nhưng khi trúng thầu, ông lại đứng trước một bài toán khó. Bởi tổng diện tích đầm hoang lên tới 5,8ha nhưng hầu hết toàn mặt nước, không trồng cấy được gì. Sau nhiều ngày nghiên cứu phương án sản xuất, ông đã bắt tay vào cải tạo, vực đất san nền, đắp bờ, xây chuồng trại... Vừa cải tạo, ông vừa thả cá, nuôi ngan, vịt để có thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Sau gần 10 năm đầu tư cải tạo, đến năm 2017, mô hình trang trại của ông mới cơ bản hoàn thiện với 1,2ha mặt đất, trong đó có các hạng mục chuồng trại, kho cám, nhà chế biến, nhà bảo vệ… Diện tích còn lại là ao thả cá. Tổng chi phí đầu tư cải tạo của gia đình ông đến thời điểm đó khoảng 3,5 tỷ đồng.

Cũng từ năm 2017, trang trại của ông mới bắt đầu cho thu nhập ổn định. Mỗi năm, ông Thịnh đưa ra thị trường 1.200 con lợn thương phẩm (trung bình 1,2 tạ/con), tổng sản lượng khoảng 145 tấn thịt, chưa tính lứa gối. Bên cạnh đó, sản lượng gia cầm, thủy cầm được xuất bán khoảng 10 tấn/năm; sản lượng thịt bò 3-4 tấn/năm; cá 20 tấn/năm… Ngoài ra còn 200 cây nhãn, 200 cây hồng xiêm cho thu hoạch. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Toàn bộ sản phẩm được ông xuất bán tại trang trại. Trong đó thịt lợn được cung cấp cho Công ty thực phẩm Minh Anh; cá, ngan, gà, vịt được xuất bán cho thương lái. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà nhiều năm qua, trang trại của ông Thịnh còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể các lao động thời vụ. Năm 2019, gia đình ông còn đầu tư đắp bờ cải tạo dòng chảy, ngăn ô nhiễm nguồn nước với chiều dài 1km từ Như Quỳnh, Văn Lâm (Hưng Yên) về Dương Quang, với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ông cũng gặp những thất bại nặng nề. Đó là năm 2017, khi mô hình trang trại vừa hoàn thiện thì thị trường thịt lợn rớt giá, ông thua lỗ nặng. Năm 2019, khi chưa kịp gỡ gạc thì lại gặp dịch tả lợn châu Phi. Chỉ từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh trên đàn lợn được khống chế, chăn nuôi lợn mới bắt đầu có lãi…

Đánh giá về mô hình trang trại của gia đình ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Quang Lưu Văn Tiến chia sẻ, đây là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bản thân, ông Thịnh còn thường xuyên giúp đỡ hội viên nông dân trong kỹ thuật chăn nuôi và con giống. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia hoạt động của hội và hỗ trợ cho các phong trào sinh hoạt tại địa phương.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8312
Tổng lượng truy cập: 25380947