Giải pháp nào làm tốt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm
Quy hoạch giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm có vai trò rất lớn trong bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngoài ra còn thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết, chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiệm vụ này gặp không ít khó khăn, bất cập và thực sự là “bài toán” khó giải trong một sớm, một chiều. Vậy giải pháp nào làm tốt công tác quy hoạch?
Khó khăn trong thu hút đầu tư

 

Để thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm, ngày 5/12/2018, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về “Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”. UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 về phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo quy hoạch, thành phố có 8 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp; 8 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung; 13 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ.

 

 


 Dây chuyền giết mổ gia súc hiện đại của Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín)

 

Mặc dù cơ chế, chính sách của thành phố tạo điều kiện khuyến khích nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực trên gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn thành phố mới triển khai thực hiện được 7/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch và đang hoạt động sản xuất, đạt 24,14%. Trong đó, 5/8 cơ sở giết mổ, chế biến gia súc công nghiệp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đạt 62,5% (trong đó, có 4 cơ sở giết mổ tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín đang duy trì hoạt động thường xuyên, 1 cơ sở giết mổ tại huyện Đan Phượng phải dừng hoạt động); 3/8 cơ sở giết mổ công nghiệp tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn (trong đó, cơ sở giết mổ lợn công nghiệp tại Phú Nghĩa được chủ đầu tư là Công ty cổ phần CP Việt Nam triển khai cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị đi vào sản xuất, còn lại đang trong quá trình mời gọi đầu tư).

 

Đối với cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm tập trung, đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động 2/8 cơ sở giết mổ tại huyện Chương Mỹ, đạt 25%, còn lại 6/8 cơ sở đang trong quá trình mời gọi đầu tư tại các huyện: Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín. Các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ, mới triển khai được 1 điểm tại huyện Chương Mỹ, đạt 7,69%, còn lại 12/13 điểm đang trong quá trình mời gọi nhà đầu tư.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, sở dĩ gặp khó khăn trong thu hút đầu tư là do lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm liên quan đến sát sinh động vật nên có ít nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, thủ tục, quy trình triển khai xây dựng dự án đầu tư cơ sở giết mổ còn nhiều phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực (đất đai, môi trường…) nên chủ đầu tư triển khai gặp vướng mắc, thậm chí chưa triển khai được. Vốn đầu tư cho cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khá lớn, trong khi đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hoạt động giết mổ thường thực hiện hỗ trợ sau đầu tư nên các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn khi huy động vốn ban đầu. Ngoài ra, UBND một số huyện được phê duyệt xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chưa sâu sát kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ.

 

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

 

Trước đòi hỏi của công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường…, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã rà soát và đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét tập dung xây dựng và đưa vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng và đưa vào hoạt động 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ; đồng thời, giảm tỷ lệ số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư xuống còn 40%. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian hoạt động giết mổ của 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động hiệu quả tại 4 huyện (Thanh Trì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm).

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để thực hiện các mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Là cơ quan chuyên quản về lĩnh vực này, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình, thủ tục, hồ sơ và thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố và khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm tiến độ, theo thẩm quyền quản lý của các cơ quan chuyên môn. Triển khai thực hiện hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ theo các chính sách, quy định hiện hành. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Thực hiện lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

 

Chi cục cũng tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổng hợp báo cáo và trình UBND thành phố ban hành văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động đối với các cơ sở giết mổ súc, gia cầm tập trung tại các huyện: Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì và Thanh Oai hiện đang hoạt động hiệu quả. Rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Mặt khác, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm; đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm.

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 29640
Tổng lượng truy cập: 22036027