Dồn dập thách thức
Không có “lãi khủng” như nhiều người “ngoại đạo” tưởng tượng, thực tế người chăn nuôi lợn hiện đang phải đối diện dồn dập nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ thua lỗ. Đó là sự kết hợp cùng lúc của các rủi ro từ dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng mạnh, nhất là thức ăn chăn nuôi, trong khi giá cả thị trường liên tục biến động.
HTX chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) |
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ đầu tháng 6 tới nay, trên địa bàn TP đã xuất hiện 2 ổ DTLCP tại huyện Chương Mỹ, tổng số lợn phải tiêu hủy là 20 con. Lũy kế từ ngày đầu năm tới nay, dịch đã xuất hiện tại 6 huyện, với 11 ổ dịch. Như vậy có thể thấy nguy cơ bùng phát DTLCP vẫn còn rất cao. Ngoài DTLCP, đàn lợn còn có nguy cơ mắc nhiều dịch bệnh khác như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn… Để phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi đang phải gồng gánh thêm một khoản chi phí lớn cho công tác tiêm phòng, khử khuẩn, sát trùng…
Cùng với đó, giá cám liên tục tăng cao cũng khiến người chăn nuôi lao đao thời gian qua. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh tăng giá (tăng khoảng 35%).
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Lê Văn Thanh chia sẻ: “Giá cám tăng trung bình khoảng 50.000 đồng/bao 25kg so với cuối năm 2020. Với 3.000 lợn nái và 17.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày HTX đang bù thêm 30 triệu đồng tiền cám so với trước”.
Tỷ lệ nghịch với chi phí chăn nuôi, khoảng hơn 2 tháng nay, giá lợn hơi lại liên tục giảm, hiện đang dao động quanh mốc 62.000 – 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho biết, người chăn nuôi lợn hiện đang phải đối diện cùng lúc nhiều thách thức. Giá lợn hơi liên tục giảm một phần do ảnh hưởng dịch Covid-19, các bếp ăn tập thể, nhà hàng… dừng hoạt động khiến sức tiêu thụ giảm. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên đẩy giá cám lên cao. Theo ông Bùi Tuấn Khải, mặc dù khó khăn này chỉ là tạm thời, nhưng điều đó sẽ gây gián đoạn tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn
Người chăn nuôi chật vật xoay sở
Đối diện với những thách thức, ngành chăn nuôi lợn đang phản ứng bằng việc tăng trưởng chậm lại. Đối với một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đã chọn phương án “treo chuồng” để giảm thiểu rủi ro. Còn với các trang trại lớn cũng có những điều chỉnh giảm đàn, thay đổi phương thức sản xuất nhằm giảm thiểu chi phí.
Ông Nguyễn Văn Lâm - chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cho biết, với chi phí sản xuất như hiện nay, người chăn nuôi lợn vẫn có lãi nhưng không cao. Tuy nhiên, với những hộ chăn nuôi phải mua con giống giá cao (từ 2,1 - 2,4 triệu đồng/con) nếu không tính toán kỹ sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Để giảm thiểu rủi ro, ông Lâm đã giảm đàn lợn thịt từ 600 con xuống còn 200 con. Bên cạnh đó, ông chủ động mua nguyên liệu về tự phối trộn thức ăn chăn nuôi. Nếu như trước đây, lợn ăn thức ăn tự phối trộn khi đạt trọng lượng 30kg thì nay giảm xuống còn 15kg.
Tương tự, tại HTX chăn nuôi Hòa Lâm cũng chủ động đầu tư thêm công nghệ để giảm chi phí nhân công. Giám đốc HTX Hòa Lâm cho biết, HTX đã nhập dây chuyền cho ăn và uống nước tự động hiện đại. Tuy đầu tư chi phí ban đầu lớn, nhưng đã giảm nhân công từ 100 người xuống còn 60 người. Bên cạnh đó, HTX cũng tính toán tăng năng suất bằng cách nhập các con giống chất lượng cao.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn có thể giúp thị trường trở nên cân bằng ở thời điểm hiện tại, giúp cho DN quản lý tốt hơn vấn đề tài chính. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung vào thời gian tới. Do đó, người chăn nuôi cần chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi. Khi dịch Covid-19 ổn định, nhu cầu về thực phẩm cho các ngành chế biến, các nhà hàng, bếp ăn sẽ rất lớn.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)