Hà Nội chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm
Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm
Hà Nội có tổng đàn gia cầm khoảng 3,9 triệu con, đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển chăn nuôi. Do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên trong thời gian dài, đàn vật nuôi chỉ mắc các bệnh Newcastle, tụ huyết trùng, dịch tả vịt, Gumboro… Thế nhưng gần đây, sự xuất hiện của hàng loạt ổ dịch cúm gia cầm lẻ tẻ ở các tỉnh lân cận và trên địa bàn thành phố, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán khiến nhiều người chăn nuôi lo ngại. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong tháng 2, trên địa bàn thành phố phát sinh 6 hộ chăn nuôi ở 6 xã thuộc 5 huyện (Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ và Ba Vì) dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Tổng số gia cầm tiêu hủy là 4.979 con. Hiện nay, còn các xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng), Long Xuyên (huyện Phúc Thọ), Cát Quế (huyện Hoài Đức), Đông Quang (huyện Ba Vì) vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, lũy kế từ ngày 05/01 đến 18/02/2021, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi ở 7 xã thuộc 6 huyện (Gia Lâm, Hoài Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì), tổng số gia cầm tiêu hủy là 14.942 con… Trong khi đó, thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), diễn biến dịch bệnh cúm gia cầm đang diễn ra ở nhiều địa phương rất phức tạp. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, buộc phải tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1, H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội là rất cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, nguyên nhân chính là do thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 phát sinh, đặc biệt sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn nên việc lưu thông và nhập giống gia cầm tăng cao. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch cúm gia cầm rất lớn. Mặt khác, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ cao; tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sông không đúng nơi quy định vẫn diễn ra tại một số chợ, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.
Khống chế, dập dịch kịp thời
Trước tình hình trên, các cấp, các ngành thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh từ xa. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Theo đó, UBND thành phố giao người đứng đầu UBND các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng, lơ là trong quản lý phòng, chống dịch cúm gia cầm. Song song thành lập các đoàn công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, các địa phương chuẩn bị nguồn lực, kinh phí dự phòng để thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, chỉ đạo UBND cấp xã, các ban, ngành địa phương chủ động phối hợp để phát hiện sớm, cảnh báo dịch bệnh kịp thời…
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành liên quan và địa phương đã vào cuộc tích cực để phòng ngừa dịch cúm gia cầm. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, tiến hành kiểm soát, không để dịch bệnh kéo dài, tái phát, lây lan diện rộng. Huyện Thanh Oai cũng rà soát lại số lượng đàn gia cầm, các hộ giết mổ gia cầm, kinh doanh buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi… Tương tự, tại huyện Quốc Oai cũng đã tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; gia cầm, sản phẩm làm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch... “Huyện đã giao các cơ quan, đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành”, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết.
Nói về nhiệm vụ phòng ngừa dịch cúm gia cầm của ngành Nông nghiệp Hà Nội thời gian tới, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra, đặc biệt là dịch cúm gia cầm. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định…
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)