Chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu – huyện Ba Vì
Tổng đàn trâu trên địa bàn có 24,5 ngàn con, sản lượng thịt trâu hơi 712 tấn; tổng đàn bò 130 nghìn con, trong đó bò sữa 14,5 nghìn con, sản lượng thịt bò hơi 4.500 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 14 nghìn tấn Chăn nuôi lợn trên địa bàn Thành phố gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho các hộ, cơ sở chăn nuôi, số lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi trên 540 ngàn con (29% tổng đàn). Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành năm 2020 đã cơ bản khống chế ngăn chặn dịch bệnh (năm 2020 chỉ tiêu hủy 740 con, trọng lượng 46 tấn). Đến nay tổng đàn lợn hiện có trên toàn Thành phố 1,4 triệu con, riêng đàn lợn Nái tăng nhanh, đạt 160 ngàn con (bằng 95% so với thời kỳ trước khi xảy ra DTLCP), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 87.400 tấn. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh xảy ra nhỏ lẻ đã được khống chế ngăn chặn ngay không để bùng phát diện rộng. Tổng đàn gia cầm tăng mạnh do sự chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi nhằm phục vụ thị trường, đồng thời là nguồn cung cấp thực phẩm thay thế trong giai đoạn ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tổng đàn gia cầm hiện có khoảng 39 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần trên 65 nghìn tấn; Tổng số trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội 5.351 trại chăn nuôi lớn, vừa, nhỏ. Trong đó, tổng số trại nuôi sinh sản 1.879 trại (207 trang trại nuôi trâu, bò sinh sản, 462 trang trại nuôi lợn sinh sản, 1.210 trang trại nuôi gia cầm sinh sản).
Để có được kết qua trên trước hết có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, sự cố găng nỗ lực của ngành chuyên môn, đặc biệt Thành phố đã có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện để người chăn nuôi, các tổ chức cá nhân phát triển. Như chính sách về phát triển giống, chuỗi liên kết, tiêu thụ chế biến sản phẩm, giết mổ, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm.
Tuy nhiên chăn nuôi Hà Nội cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn đó là Đại dịch Covid19 xảy ra trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến lưu thông vận chuyển gia súc gia cầm, việc nhập nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài về làm nguyên liệu làm giá thành thức ăn chăn nuôi tăng; biến động thất thường, giá sản xuất đầu vào đầu ra không ổn định, trực tiếp làm biến động giá thành trong chăn nuôi. Với các trang trại gia trại trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông gia súc gia cầm. Việc giá thành gia súc gia cầm tăng làm cho các nhà chăn nuôi khó tính toán, đầu tư cầm chừng. Công tác quản lý chăn nuôi, quản lý dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do phải đồng thời vừa phòng chống dịch bệnh Covid, vừa thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như lở mồm long gia súc, tai xanh, cúm gia cầm ...). Một khó khăn nữa khi dịch Covid xảy ra, ở những nơi phải giãn cách xã hội việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn. Gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ở những “vùng dịch” khi vận chuyển sẽ gặp khó vì con người ra vào vùng dịch phải đưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan y tế. Nhiều người (kể cả cán bộ thú y ) cũng phải thực hiện nghiêm việc cách ly để phòng chống dịch bênh. Ở những nơi nhập động vật và sản phẩm động vật về nếu có thông tin người và phương tiện vận chuyển từ “vùng dịch” về cũng sẽ phải khai báo và cách ly theo quy định. Bên cạnh đó phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng cũng còn nhiều (gần 60 %), diễn biến dịch bệnh phức tạp, thời tiết khí hậu bất thường tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bênh cao.
Về định hướng phát triển chăn nuôi năm 2021 và những năm tới trên địa bàn thành phố:
Duy trì và phát triển đàn trâu đến năm 2025 đạt khoảng 26 ngàn con, tập trung phát trển tại các huyện vùng trũng có nhiều cỏ nước (như Thanh Oai, Mỹ Đức,Ứng Hòa …) Bò sữa, ổn định khoảng 15 ngàn con; tỷ lệ bò HF thuần chủng là 15%; HFF3 là 70%; HFF2 là 10%; HFF1 là 5%. Bò thịt khoảng 150 ngàn con, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm trên 90%; tỷ lệ thịt xẻ 54-56%; tỷ lệ thịt tinh: 44-46%. Các vùng chăn nuôi, sản xuất giống bò tập trung các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai
Chăn nuôi lợn, phấn đấu đạt 1,8 triệu con, trong đó lợn nái đạt trên 200 nghìn con, chiếm 10% tổng đàn lợn (nái thuần 20 nghìn con chiếm gần 15%, nái lai 130 con, chiếm 85%). Các giống năng suất chất lượng cao chủ lực (như Yorkshire, Landrace, Duroc, Piterrain ...). Đưa các giống lợn ngoại có năng suất chất lượng cao phục vụ cho lai tạo, cải tiến nhanh công tác giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tiếp tục thực hiện chương trình xã hội hóa công tác giống lợn. Đàn lợn giống thuần ông bà chủ yếu sử dụng 2 giống Yorkshire và Landrace làm dòng mẹ, để sản xuất nái lai 2 máu cùng dòng bố mẹ (YorkLand) cho lai với giống lợn Duroc và Pietrain để tận dụng ưu thế lai. Hàng năm nhập bổ sung các giống mới có năng suất, chất lượng cao để cải tạo đàn lợn giống. Tỷ lệ lứa đẻ 2,3- 2,4 lứa/năm/nái, số lượng con cai sữa bình quân trên 25 con/nái /năm. Tỷ lệ thụ tinh trên đàn lợn nái đạt trên 90%. Các vùng chăn nuôi chăn nuôi, sản xuất giống lợn, tập trung các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai.
Chăn nuôi gia cầm, phát triển ổn định đàn gia cầm khoảng 40 triệu con, tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; cùng với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa như giống gà Mía, gà chọi, gà lai giữa gà chọi với các giống gà Ri, gà Mía, gà Lương Phượng, vịt bầu cánh trắng, Super, để đáp ứng thị trường nội địa. Tăng cường áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn gà sinh sản để lựa chọn được giống tốt, giảm chi phí sản xuất; Vùng trọng điểm sản xuất giống vịt tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa; sản xuất giống gà trọng điểm ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất. Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống gà Mía tại thị xã Sơn Tây.
Về các giải pháp trọng tâm:
Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng. Chuyển đổi đối tượng đầu tư cho phù hợp vùng miền sinh thái. rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; Duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái; Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghiệp vào chăn nuôi gia trại, nông hộ như chuồng sàn; máng ăn, máng uống tự động; chăn nuôi theo hướng VietGahp, chăn nuôi sinh thái tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò làm đầu tàu để liên kết với các tổ chức sản xuất. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp liên kết, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết ở từng vùng, từng loại đối tượng chủ lực. triển khai các mô hình chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Công tác thú y, tập trung thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, Tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Dại động vật…); Thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn (dự kiến 5 đợt/năm). Đẩy nhanh tiến độ đưa các cơ sở giết mổ đã được Thành phố phê duyệt vào hoạt động, đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung. Tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp sử dụng dây chuyền giết mổ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với chế biến. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý sử dụng vật tư, vắc xin, hóa chất và kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm và hành nghề thú y theo phân công, phân cấp để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Hàng năm thành lập các đoàn thanh, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn Thành phố để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Về thức ăn, môi trường, sử dụng thức ăn công nghiệp không sử dụng thuốc tăng trọng, tạo màu, ít kháng sinh, thức ăn hữu cơ cho chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thức ăn chất lượng cao cho bò sữa, bò thịt như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR, TMF). Thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hướng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh. Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải trong chăn nuôi như sử dụng đệm lót trong chăn nuôi lợn, bò, gia cầm. Sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ dùng cho cây tròng hữu cơ. Liên kết phối hợp với các tỉnh, thành phố và tổ chức quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt liên kết chặt chẽ với 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng trong việc cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh thành. Tăng cường hợp tác với các tổ chức Quốc tế, cơ quan Bộ Nông nghiệp & PTNT thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu sản phẩm. Tiếp tục duy trì và xây dựng cơ chế chính sách đă có và đề xuất chính sách đặc thù để có bước phát triển mạnh và bền vững hơn.
Chắc chắn với sự vào cuộc của các cấp, các ngành sự đồng thuận của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong xu thế hội nhập, tốc độ phát triển chăn nuôi tại Hà Nội tiếp tục có chuyển biến tích cực./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)