Nâng cấp đê điều, thủy lợi để ứng phó với biến đổi khí hậu
Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, mưa lớn, lũ, úng ngập, sạt lở bờ sông… làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những tác động xấu của biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội.


 

                                                                      Dự án cải tạo sông Tích là dự án trọng điểm của ngành Nông nghiệp Hà Nội

Thiên tai ngày càng khắc nghiệt

Theo Bộ NN&PTNT, hơn 10 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã có những diễn biến phức tạp, điển hình như sự gia tăng cả về tần số, cường độ và độ bất thường của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai. Trong đó, Hà Nội là địa phương chịu ảnh hưởng lớn về mức độ cũng như một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, nhất là mưa lớn, lũ, ngập úng, sạt lở bờ sông, nắng nóng... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội không phải là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng ảnh hưởng của hoàn lưu do bão gây ra mưa lớn dẫn đến hệ quả sinh ra các loại thiên tai khác như: Lũ, ngập úng, sạt lở bờ sông. Trong đó, mưa lớn đã từng gây ngập lụt nghiêm trọng cho Hà Nội. Đơn cử đợt mưa xảy ra cuối tháng 10/2008 với tổng lượng mưa trong 3 ngày trên địa bàn thành phố phổ biến từ 350-550mm, cá biệt có nơi ở huyện Ứng Hòa là 603mm, quận Hà Đông 707mm, huyện Thanh Oai 914mm. Theo thống kê, giai đoạn 1962-2001, trên địa bàn thành phố chỉ có 9 trận mưa trên 100mm, nhưng giai đoạn 2002-2007, đã có tới 29 trận mưa trên 100mm. Đặc biệt, năm 2008 và 2016, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều trận mưa lượng mưa đo được tăng lên hơn 300mm.

Trong 15 năm trở lại đây, Hà Nội còn phải hứng chịu nhiều đợt ngập lụt lớn. Ngoài những trận lũ trên các sông, có những thời điểm, Hà Nội ảnh hưởng không nhỏ bởi lũ rừng ngang, lũ dồn, lũ quét. Đáng ngại, thời gian xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang thường nhanh, bất ngờ và có thể kèm theo cả sạt lở đất xảy ra tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì. Điển hình, trận mưa lũ, ngập lụt khu vực sông Bùi, sông Tích năm 2017 và 2018, mưa lớn khiến nước sông lên cao vượt mức lịch sử đạt đỉnh 7,51m đã khiến 3.024 hộ dân bị ngập sâu trong nước trên 20 ngày; ngoài ra hàng nghìn héc ta cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và hàng vạn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, cùng hàng nghìn m đê điều, kênh mương, đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, hạn hán, cháy rừng…, đặc biệt là nắng nóng gay gắt xảy ra trên phạm vi rộng. Các năm 2014, 2016, có thời điểm nền nhiệt độ cao phổ biến từ 39 - 40oC, kéo dài kỷ lục chưa từng có trong vòng 60 năm, khiến sản xuất nông nghiệp có thời điểm điêu đứng…

Trong khi đó, các công trình đê điều, thủy lợi mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Qua rà soát, toàn thành phố có khoảng 4.499ha đất sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa phát triển nhanh dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là khu vực nội thành và một số khu vực ở ngoại thành như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức. Nguyên nhân chủ yếu là do mưa to, cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn, tạo lượng nước mặt vượt quá khả năng chứa của các hồ điều hòa và tiêu thoát của hệ thống kênh mương, cống ngầm tiêu thoát nước đô thị…

Chủ động ứng phó, thích nghi

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn, lâu dài đến đa dạng sinh học và tài nguyên đất, nước, rừng, các công trình thủy lợi, đê điều…, làm thay đổi lượng mưa, dòng chảy và phân bố mưa trên các vùng, tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản xuất, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi... Để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó một trong những giải pháp đặt ra trong giai đoạn hiện nay là khắc tình trạng sạt lở bờ sông, ngập úng, lũ lụt... bằng giải pháp công trình và phi công trình, cụ thể là xây dựng các công trình nâng cấp đê điều, thủy lợi, từ đó cải thiện năng lực thoát lũ.

Qua tìm hiểu được biết, cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…, thời gian qua, đối với các khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, Sở NN&PTNT đã tham mưu kịp thời thành phố Hà Nội có giải pháp gia cố trước thời điểm mưa bão, xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó; đồng thời bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật biến động thời tiết bất lợi để chủ động hơn trong công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai do mưa lớn, bão trên địa bàn. Trong trường hợp có xảy ra thiên tai, Sở NN&PTNT cũng đã kịp thời hướng dẫn địa phương ứng phó, bảo đảm hạn chế tối đa các ảnh hưởng thiệt hại.

Để bảo đảm sản xuất, đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường…, Sở NN&PTNT vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép đầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình: Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ; nạo vét, cứng hóa bờ sông Nhuệ từ Liên Mạc đến hết quận Hà Đông; chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức; cải tạo lòng dẫn sông Tích (đoạn từ cầu Trắng thị xã Sơn Tây đến cầu Ó và đoạn từ cầu Ó đến Ba Thá); xử lý bảo đảm ổn định khu vực cửa sông Đuống trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, từ nguồn ngân sách thành phố.

Các dự án trên được quan tâm đầu tư xây dựng không chỉ tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7893
Tổng lượng truy cập: 25380947