Tháo gỡ khó khăn trong xử lý vi phạm công trình thủy lợi
Thời điểm này, các doanh nghiệp thủy lợi và các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho công tác lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2021. Với phương châm "lấy nước đến đâu, làm đất, đổ ải và gieo cấy đến đó" nhằm tránh thất thoát nguồn nước và không để phát sinh thêm thời gian lấy nước…Tiếc rằng, nhiều vụ việc vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi kéo dài vẫn chưa được xử lý dứt điểm, phần nào ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sản xuất.


 

Kiểm tra thiết bị phục vụ lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Trạm bơm Vân Đình (huyện Ứng Hòa)

Thiếu quyết liệt ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi luôn được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội rất quan tâm. Song những con số qua các năm cho thấy vi phạm mới phát sinh ngày càng tăng, trong khi số vụ được xử lý dứt điểm còn hạn chế. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết tháng 11, toàn thành phố còn tồn tại 13.394 vụ vi phạm, trong đó, có 1.889 vụ xả thải vào công trình thủy lợi và 11.505 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác. Trong khi các vi phạm cũ chưa được giải tỏa dứt điểm, trên địa bàn thành phố lại tiếp tục phát sinh vi phạm mới. Trong 11 tháng của năm 2020, trên địa bàn thành phố phát sinh 271 vụ vi phạm. Các vi phạm chủ yếu: Lấn chiếm xây dựng nhà ở, làm công trình phụ, tạm, làm đăng chắn, trồng cây thân gỗ trên bờ, mái sông, kênh, mương, trong lòng hồ chứa, hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, đổ phế thải, làm cầu qua kênh, làm đăng đó chăn nuôi cá, nuôi vịt, xả nước thải chưa qua xử lý vào sông, kênh… Hậu quả dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, cản trở dòng chảy ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước.

Vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình nhiều như vậy, nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 12/2019, toàn thành phố mới xử lý giải tỏa được 2.725 vụ vi phạm (8 vụ xả thải vào công trình thủy lợi và 2.717 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi). Số vụ việc xử lý trong năm 2020 cũng rất thấp, toàn thành phố chỉ xử lý được 241 vụ, trong đó, có 142 tồn tại cũ và 31/271 vụ phát sinh trong năm 2020. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên tại các địa phương. Mặt khác, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố số lượng nhiều, phân bố trên địa bàn rộng, trong khi đó tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu về đất ở cũng như mặt bằng sản xuất lớn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng xâm lấn, xây dựng các công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Đáng nói nhận thức về trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi của một bộ phận không nhỏ người dân ở một số địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các tổ chức khai thác công trình thủy lợi với chính quyền cấp huyện, cấp xã thiếu chặt chẽ; chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm dẫn đến vụ việc vi phạm, tái vi phạm vẫn tồn đọng, phát sinh trên địa bàn. Ngoài ra, công tác cắm mốc chỉ giới vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện đầy đủ. Hiện, ngoài trục chính sông Nhuệ được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ năm 2015, từ năm 2016 đến 2018, có 105 tuyến kênh với tổng chiều dài khoảng 800km được cắm mốc chỉ giới phạm vị bảo vệ. Các công trình còn lại trên địa bàn thành phố gồm các hồ chứa thủy lợi, một số tuyến kênh tưới, tiêu, các trạm bơm, cống và nhiều công trình dẫn nước chưa thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ theo quy định...

Gắn trách nhiệm với chính quyền cơ sở

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố và các địa phương chủ động lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2021, không để phát sinh thêm thời gian lấy nước. Liên quan đến việc ngăn chặn, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT đã đề nghị các cấp có thẩm quyền có chế tài xử lý đối các địa phương không có biện pháp xử lý giải tỏa để phát sinh nhiều vi phạm hoặc vi phạm có quy mô lớn khó xử lý nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về thủy lợi, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm công trình thủy lợi và xả nước thải, chất thải trái phép vào công trình thủy lợi. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngày từ khi mới phát sinh, tránh đùn đẩy trách nhiệm, góp phần bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị các tổ chức khai thác công trình thủy lợi phân công cán bộ, công nhân, người lao động tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý; thực hiện đầy đủ trình tự theo Hướng dẫn số 144/HD-SNN, ngày 28/6/2019, của Sở NN&PTNT về trình tự kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội; thường xuyên kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

Để công trình thủy lợi có thể phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đời sống dân sinh thì việc đẩy lùi vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội là yêu cầu bức thiết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và đơn vị quản lý sẽ là yếu tố quyết định, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi.



Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8041
Tổng lượng truy cập: 25380947