Theo Dự thảo Đồ án Quy hoạch đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đặt ra là đảm bảo an toàn phòng chống lũ thiết kế cho từng tuyến sông theo quy hoạch phòng chống lũ đã được phê duyệt, xác định vị trí, quy mô các tuyến đê đảm bảo kết hợp đa mục tiêu, phù hợp với các yêu cầu bảo vệ dân sinh, kinh tế trong khu vực. Đồng thời, củng cố, nâng cấp, cải tạo các công trình đê điều trên địa bàn thành phố, xác định các giải pháp đảm bảo ổn định, an toàn đê điều, tăng cường quản lý, chống lấn chiếm trong hành lang thoát lũ.
Theo đó, quy hoạch sẽ xác định vị trí các tuyến đê chính, đê bối, đê bao; vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng trên các tuyến đê; xác định thông số kỹ thuật của tuyến đê chính, đê bối, đê bao cho từng đoạn; xác định diện tích đất dành cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa các tuyến đê…
Đánh giá về hệ thống đê điều của thành phố Hà Nội, các đại biểu đều cho rằng hệ thống đê được hình thành từ lâu đời, tuy đã được quan tâm tu bổ, nâng cấp hàng năm, nhưng với điều kiện hiện nay, hệ thống đê điều cần được quy hoạch để đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đang thể hiện ngày càng rõ nét.
Đóng góp cho đồ án quy hoạch, các đại biểu cho rằng việc xây dựng quy hoạch phải tính toán kỹ lưỡng hiện trạng đê điều hiện nay, hiện trạng sông Hồng đoạn qua Hà Nội, phải hiểu rõ tính chất của sông Hồng thì xây dựng quy hoạch mới có tính khả thi. Không nên bố trí quy hoạch đê điều phụ thuộc vào quy hoạch xây dựng và giao thông bởi quy hoạch đê điều có tính độc lập, phải đảm bảo mục tiêu chống lũ. Bên cạnh đó, nên tính toán kết hợp với du lịch trên sông theo mô hình một số nước tiên tiến đã áp dụng rất thành công.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Đồng thời đề nghị cơ quan chuyên ngành là Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị tư vấn lập quy hoạch chỉnh sửa đồ án cho phù hợp với tình hình thực tế và tiến độ phát triển.