Hệ thống công trình đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản bảo đảm phòng, chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trên các tuyến đê, kè sông Đà, sông Hồng, sông Đáy… thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Oai liên tiếp xảy ra các sự cố sạt lở ngay trong mùa mưa bão năm 2020 khiến người dân lo lắng.
Xuất hiện nhiều sự cố
Các kè bảo vệ đê trên địa bàn huyện Ba Vì thời gian qua liên tiếp xảy ra sự cố khiến người dân lo lắng. Hướng về vị trí tương ứng K20+700 đến K20+950 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Chu Minh (huyện Ba Vì) dài khoảng 250m đang bị sạt lở nghiêm trọng, ông Nguyễn Văn Thành, xã Chu Minh cho biết: “Người dân chúng tôi rất lo sợ về sự cố kè Chu Minh xảy ra trong mùa mưa bão sẽ đe dọa trực tiếp đến an toàn của các hộ dân trong khu vực”. Theo người dân xã Chu Minh, kè mỏ hàn ở địa phương này được xây dựng từ lâu, tuy nhiên, bờ sông Hồng ở xã Chu Minh chủ yếu là mái đất, trong mùa mưa lũ năm 2017 và 2018 đã xảy ra hiện tượng xói lở, hiện dòng chủ lưu áp sát chân kè nên rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ.
Cũng trên địa bàn xã Chu Minh, đoạn bờ sông tương ứng vị trí từ K21+200 đến K21+500 đê hữu Hồng, dài khoảng 300m, công trình kè ở đây cũng đã được đầu tư làm mỏ hàn từ năm 1982 và năm 2000, đồng thời, đã được tu sửa lát mái. Song ở khu vực này dòng chủ lưu áp sát chân kè nên hiện nay đang bị xói chân và sạt lở mái đá. Ông Trần Quang Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, với diễn biến phức tạp của thời tiết, nước sông Hồng lên xuống thất thường, kết hợp với các đợt xả lũ của các hồ thủy điện phía thượng nguồn, sẽ tác động làm cho các vị trí đê, kè ở xã Chu Minh có xu hướng tiếp tục phát triển, mở rộng sự cố, đe dọa đến ổn định công trình kè hộ bờ và an toàn chống lũ của đê hữu Hồng.
Không riêng xã Chu Minh, mà ở nhiều địa phương cũng đã xuất hiện không ít sự cố đê, kè trong mùa mưa bão năm 2020. Tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng), kè hộ chân đê hữu Hồng bị sạt lở tương ứng vị trí từ K40+700 đến K40+900, dài khoảng 200m. Cách đó không xa, bờ sông Hồng thuộc xã Liên Hồng bị sạt lở tương ứng từ K43+900 đến K44+100, dài khoảng 200m. Mục sở thị tại khu vực này cho thấy, hiện trạng bờ sông được gia cố lăng thể đá hộ chân, chưa được làm kè lát mái. Đáng ngại, bờ sông ở đây dốc đứng và đã xảy ra sạt lở từ năm 2017 và có xu hướng tiếp tục phát triển.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, thực trạng trên cũng đang xảy ra khá phức tạp tại các tuyến đê, kè ở các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai… Đơn cử tại kè Cát Bi ở huyện Phú Xuyên tương ứng từ K102+889 đến K103+649 đê hữu Hồng, dài khoảng 760m, một số vị trí đang bị sạt lở, xói phần chân kè, mái bị bong xô. Tại kè Đại Gia đê hữu Hồng dài khoảng 1.000m, chân kè xói lở, xô sụt. Kè Quang Lãng, tương ứng từ K117+039 đến K118+189 đê hữu Hồng, dài khoảng 1.150m, khu vực này đê sát sông, chân kè bị xói lở, xô sụt và có xu hướng tiếp tục phát triển sạt lở.
Còn tại huyện Thanh Oai, khu vực xảy ra sự cố bờ sông tương ứng K29+700 đến K30+200 đê tả Đáy thuộc địa bàn thôn Thanh Giang, xã Thanh Cao, dài khoảng 500m. Hiện tượng lún, nứt xảy ra tại khu vực này từ lâu đã được người dân địa phương xử lý khắc phục. Tuy nhiên, sau các trận mưa lớn vừa qua lại tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của người dân địa phương...
Cảnh giác yếu tố bất ngờ có thể xảy ra
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hệ thống công trình đê điều của Hà Nội dày đặc. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hệ thống công trình đê điều trên địa bàn thành phố cơ bản bảo đảm phòng, chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu, đến nay, đã xuống cấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy của các sông thay đổi dẫn đến tình trạng bị xói lở nghiêm trọng, sạt trượt, tiềm ẩn các sự cố nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão…
Để khắc phục kịp thời các sự cố sạt lở, hư hỏng công trình đê điều, sạt lở bờ sông, bãi sông, theo đề xuất của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, đối với các sự cố sạt lở công trình, bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đáy… trên địa bàn các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Oai các cấp, các ngành cần phải có phương án cụ thể, đề phòng các yếu tố bất ngờ có thể xảy ra. Tại các địa phương có công trình đê, kè xảy ra sự cố, các phòng, ban chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê trên địa bàn cắm biển cảnh báo sự cố, cảnh báo người dân trong khu vực biết để phòng tránh, hạn chế người dân qua tại khu vực xảy ra sự cố; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố để xử lý kịp thời…
Qua tìm hiểu được biết, ngay sau khi kiểm tra, liên ngành thành phố Hà Nội cũng đã có báo cáo UBND thành phố cho phép xử lý cấp bách hoặc lập dự án đầu tư đối với một số khu vực xảy ra sự cố nêu trên để bảo đảm an toàn công trình đê điều, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2020 và những năm tiếp theo. Song song đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực khẩn trương thi công các dự án cấp bách, Sở NN&PTNT cũng đã giao Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các hạt quản lý đê phối hợp với chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình sạt lở đê, kè để tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Được biết, về lâu dài, đi đôi với chỉ đạo xử lý, giải tỏa dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thành phố Hà Nội cũng đã giao các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra hiện trạng công trình đê điều để cân đối bố trí nguồn lực đầu tư, nhất là tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, qua đó bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hệ thống công trình đê điều, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão…
Minh Châu