Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có báo cáo hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố trước mùa mưa năm 2020 cho thấy vẫn còn không ít nỗi lo. Ngoài hàng nghìn vụ vi phạm chưa được xử lý giải tỏa dứt điểm, sự xuống cấp, hư hỏng của một số công trình thủy lợi ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai. Vấn đề đặt ra, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để hệ thống công trình thủy lợi vừa phục vụ tốt sản xuất và làm tròn nhiệm vụ phòng, chống thiên tai…
Áp lực lớn cho công trình thủy lợi
Hệ thống thủy lợi của Hà Nội được phân làm 3 vùng. Vùng hữu sông Đáy gồm các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây; vùng tả sông Đáy gồm các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên; vùng Bắc Hà Nội gồm quận: Long Biên và các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm. Với 1.837 trạm bơm (4.139 máy bơm các loại), 36.001 tuyến kênh (dài 20.039km) và 117 đập, hồ chứa nước lớn và nhỏ, hệ thống công trình thủy lợi của thành phố bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai...
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mặc dù hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố lớn, nhưng do quá trình đô thị hóa nhanh và yêu cầu phát triển kinh tế đã phát sinh một số bất cập và gia tăng các vụ vi phạm. Đặc biệt, tại khu vực các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ liêm, Hà Đông và các huyện Mê Linh, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín… phát sinh nhiều vi phạm đã tạo áp lực không nhỏ trong việc tiêu thoát nước… Về quy hoạch tiêu thoát nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nên nước thải các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề hầu hết không được xử lý mà trực tiếp xả thải ra kênh, mương thủy lợi làm ảnh hưởng đến năng lực thiết kế, thậm chí thay đổi nhiệm vụ thiết kế của công trình, đồng thời, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nguồn nước trong hệ thống…
Theo dự báo, mùa mưa bão năm 2020 nhiều khả năng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Đáng ngại là sau rà soát đánh giá công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm nay vẫn tiềm ẩn những nguy cơ sự cố có thể xảy ra. Bởi không ít công trình thủy lợi được xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, đến nay, quy mô và máy móc, thiết bị lạc hậu, hệ số tưới, tiêu chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh và tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ở nhiều địa phương, lòng kênh mương bị bồi lắng nhiều, mặt cắt kênh không bảo đảm so với thiết kế ban đầu, nhiều đoạn bờ nhỏ và thấp, thường bị tràn khi có mưa to. Vẫn còn tình trạng lấn chiếm, đổ rác, phế thải, vật liệu rắn vào công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến năng lực dẫn nước tưới, tiêu…
Từng bước giải quyết những bất cập
Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, trong bối cảnh gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan do ảnh của biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến an toàn của các công trình thủy lợi, sau khi rà soát, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xác định các nhóm giải pháp để từng bước giải quyết những hạn chế, bất cập. Theo đó, đối với các công trình thủy lợi xảy ra sự cố hư hỏng, xuống cấp, Sở NN&PTNT đã đề nghị các đơn vị quản lý công trình phối hợp với các ban quản lý dự án và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời. Sở NN&PTNT cũng đã xây dựng phương án dự trù vật tư, vật liệu, máy móc thiết bị bảo đảm an toàn cho công trình vận hành phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai năm 2020; đồng thời, giao các đơn vị trực thuộc Sở lập phương án xử lý sự cố có thể xảy ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành điều tiết phục vụ sản xuất, dân sinh…
Sau khi đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố trước mùa mưa năm 2020, mới đây, Sở NN&PTNT đã có báo cáo tham mưu UBND thành phố tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, chống xuống cấp công trình thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đối với các công trình thủy lợi phải cắm mốc chỉ giới theo quy định để bảo đảm an toàn, phát huy năng lực của công trình thủy lợi trong phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng chống thiên tai và tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, chính quyền các cấp thực hiện công tác ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định…
Cùng với việc ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, chính quyền cơ sở trong bảo vệ công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố và các địa phương rà soát, thiết lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa các vụ vi phạm công trình thủy lợi mới phát sinh, các vi phạm trực tiếp gây cản trở dòng chảy, trong lòng sông, lòng kênh, các trục chính; từng bước giải tỏa dần các vụ vi phạm công trình thủy lợi tồn tại cũ, không để phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm… Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các vi phạm ngay từ những giờ đầu; phối hợp với các địa phương lập biên bản, phân loại, xây dựng kế hoạch, phương án, kiên quyết giải tỏa vi phạm ngay khi phát sinh, không để phát triển đến mức khó xử lý…
Minh Huệ