Ngày 19/3/2020 Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã ban hành Công văn số 741/SNN-ĐĐ, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống lũ, bão năm 2020.
Công văn nêu rõ, đối với công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng công trình đê điều và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thầu thi công khắc phục sự cố, hư hỏng công trình đê điều xảy ra trên địa bàn; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp hệ thống công trình đê điều đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo lập phương án bố phòng hộ đê, bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu trong mùa lũ, bão năm 2020.
Đối với công tác chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong mùa lũ, bão năm 2020, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, phát hiện các hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình đê điều, sửa chữa khắc phục kịp thời các hư hỏng; xác định trọng điểm, điểm xung yếu, đặc biệt lưu ý đối với các vị trí đê sát sông, có diễn biến sạt lở, các cống dưới đê cần khảo sát đánh giá kỳ; rà soát, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu đối với từng tuyến đê, tùng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được phê duyệt. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra bão, lũ lớn, lũ cực lớn.
Thường xuyên rà soát phương án đã lập cho sát với thực tế, chỉ đạo chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ, phương tiện, nhân lực hộ đê, hậu cần cho từng tuyến đê, đảm bảo về số lượng và chất lượng cũng như tính kịp thời, không bị động khi có tình huống xảy ra.
Đối với công tác xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố. Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều đúng quy định pháp luật về đất đai, đê điều và các quy định pháp luật liên quan; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi phát sinh những vi phạm mới.