Khai thác hiệu quả vùng đất bãi
Hơn 10 năm trước, cuộc sống người dân vùng bãi ven sông Hồng, huyện Mê Linh chỉ biết trông vào thu nhập từ cây ngô, đậu tương, chuối... giá trị kinh tế thấp, không bảo đảm cuộc sống. Trước tình hình này, huyện Mê Linh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị đất canh tác, hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn cho thu nhập cao.

Đến thăm mô hình trồng chuối của ông Sái Văn Triệu, ở thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh), nhiều người không khỏi khâm phục tầm nhìn xa, trông rộng của ông. Trên diện tích 70ha đất bãi ven sông Hồng thuê lại của các hộ dân, ông Sái Văn Triệu đầu tư hàng tỷ đồng xây kho bảo quản, nhà sơ chế và trồng hàng chục nghìn gốc chuối tiêu hồng. Hiện vùng chuối của ông chủ yếu để xuất khẩu nên doanh thu tương đối ổn định. Bình quân mỗi héc ta chuối tiêu hồng, trừ các chi phí, gia đình ông thu lãi 250 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, đậu tương trước đây.

Gia đình ông Sái Văn Triệu là một trong số gia đình ở xã Hoàng Kim đã tận dụng được thế mạnh của vùng đất bãi ven sông để phát triển kinh tế gia đình. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Lưu Văn Minh, xã có 450ha đất nông nghiệp, trong đó đất bãi ven sông Hồng là 350ha. Khai thác lợi thế vùng đất bãi này, năm 2013, sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, xã Hoàng Kim quy hoạch thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, gồm: 126ha chuối, 120ha lúa, 25ha rau an toàn, 20ha hoa cây cảnh.

Tương tự, trên vùng đất bãi của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, người dân phát triển giống bưởi đỏ của địa phương thành cây ăn quả “đặc sản” cho thu nhập cao. "Với diện tích bưởi đỏ ban đầu khoảng 7ha, trồng xen kẽ trong khu dân cư, đến nay, người dân thôn Đông Cao đã mở rộng được hơn 20ha, trong đó khoảng 11ha trồng theo quy trình VietGAP và được cấp thương hiệu “Bưởi đỏ Đông Cao”. Hằng năm xuất ra thị trường khoảng 30 nghìn đến 35 nghìn quả bưởi với giá bán 45-50 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, các hộ dân lãi 300 triệu đồng/ha" - ông Lương Văn Phương, hộ dân trồng hơn 3ha bưởi đỏ ở thôn Đông Cao cho hay.

Không chỉ các mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, hiện huyện Mê Linh còn hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng sản xuất rau an toàn gần 2.000ha ở các xã: Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê; vùng trồng hoa, cây cảnh hơn 500ha tại các xã: Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Kim Hoa; vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư tại các xã: Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Chu Phan... Ước tính, giá trị từ sản xuất rau an toàn của Mê Linh đạt 550-600 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản 500 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi 450 triệu đồng/mô hình/năm và cây ăn quả đạt 250-400 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả vùng đất bãi, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân... Trước mắt, huyện tập trung sản xuất theo quy hoạch, rà soát những vùng trồng cây kém hiệu quả, chuyển sang các loại trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh cho nông dân; đồng hành, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, giúp nông dân nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập và phát triển sản xuất bền vững.

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 11270
Tổng lượng truy cập: 25408900