Hà Nội từng được xếp vào nhóm địa phương có nguồn nước mặt dồi dào, nhưng do biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân còn hạn chế… nên hiện nay chất lượng nguồn nước của nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn bị suy thoái. Theo kết quả quan trắc của Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, hiện nay, chất lượng nước mặt tại nhiều vị trí trên các sông: Nhuệ, Đáy, Cầu Bây,… không bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản do một số chỉ tiêu như amoni, nitrit, coliform,….vượt quá tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần.
Nguyên nhân gây ô nhiễm các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố hiện là do: Hệ thống thủy lợi Hà Nội phải tiếp nhận bình quân mỗi ngày đêm khoảng 710.000 m3 nước thải sinh hoạt, 250.000 m3 nước thải công nghiệp, 14.000 m3 nước thải từ các cụm công nghiệp, 53.000 m3 nước thải làng nghề…Nhưng hầu hết các nguồn xả thải trên chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép. Theo thống kê của các Công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.828 điểm xả nước thải vào công trình thủy lợi, trong đó có 714 điểm xả nước thải công nghiệp, bệnh viện, dịch vụ và 1.114 điểm xả nước thải sinh hoạt. Các huyện có nhiều điểm xả thải như: Ứng Hòa 233 điểm, Thanh Oai 206 điểm, Thường Tín 142 điểm, Quốc Oai 124 điểm, Phúc Thọ 120 điểm…
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, cải tạo cảnh quan môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải dọc bờ sông Tô Lịch, sông Nhuệ; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung: Bắc Thăng Long - Vân Trì, công suất 42.000 m3/ngàyđêm; Kim Liên 3.700 m3/ngàyđêm; Trúc Bạch 2.300 m3/ngàyđêm; Bảy Mẫu 13.300 m3/ngàyđêm; Yên Sở 200.000 m3/ngàyđêm; Hồ Tây 15.000m3/ngàyđêm; Cầu Ngà 20.000 m3/ngàyđêm; Yên Xá 270.000 m3/ngàyđêm. Theo quy hoạch đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất xử lý đạt gần 1,81 triệu mét khối/ngày, đêm vào năm 2030 và sau đó là gần 2,5 triệu mét khối vào năm 2050.
Để bảo vệ nguồn nước theo hướng bền vững, việc quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nước đối với sức khỏe, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về xả thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi có xét đến nhiệm vụ giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước,…
Với sự chung tay của các ngành, của người dân; sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của UBND Thành phố, của các bộ, ngành trung ương sẽ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.