Để bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, ngày 27/9/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý”. Mục tiêu, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện Đề án cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
- Quản lý việc cấp phép và kiểm tra việc thực hiện giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi: Đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% các bệnh viện và khu công nghiệp, 50% các cụm công nghiệp và làng nghề có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi (trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ) phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ; Đến hết năm 2025 đạt tỷ lệ 80% các cụm công nghiệp và làng nghề có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi (trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ) phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ.
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về xả thải vào công trình thủy lợi: Giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi của các bệnh viện, khu, cụm công nghiệp và các làng nghề; Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm mới phát hiện.
2. Nhiệm vụ:
- Triển khai thực hiện pháp luật về thủy lợi: Tổ chức hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ giám sát, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợil; Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc phòng ngừa và xử lý vi phạm, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
- Tổ chức thống kê các nguồn xả thải, thực hiên cấp phép: Điều tra, đánh giá hiện trạng và xác định các nguồn xả thải chủ yếu gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước các hệ thống công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, liên tỉnh. Ưu tiên xác định các nguồn thải, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng để kiểm soát và có biện pháp xử lý phù hợp; Tổng cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh triển khai thực hiện việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ, Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp việc cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi liên tỉnh. Kiểm soát, không cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi cho tổ chức, cá nhân xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép theo quy định.
- Truyền thông nâng cao nhận thức: Tổng cục Thủy lợi chủ trì tổ chức tuyên truyền về trách nhiệm, quyền hạn của UBND các cấp và người dân trong việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện thông tin, truyền thông điểm, định kỳ về thực trạng chất lượng nước, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm. Công khai hóa các thông tin, dữ liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm và các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Tăng cường các biện pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo vệ chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ô nhiễm nguồn nước.
- Thu gom nguồn xả, xử lý trước khi xả vào công trình thủy lợi: Kiến nghị các địa phương tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng và duy trì vận hành hiệu quả các nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để đảm bảo kiểm soát chất lượng nước thải sinh hoạt trước khi xả vào công trình thủy lợi.
3. Tổ chức thực hiện:
- Tổng cục Thủy lợi: Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở trung ương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi. Xây dựng Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT phân cấp cho các địa phương thực hiện việc cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi liên tỉnh; Tổ chức xây dựng khung cơ sở dữ liệu về chất lượng nước tại các hệ thống công trình thủy lợi, dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm về thải, dữ liệu về tình hình cấp phép và thực hiện giấy phép,...
- Các Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi. Chủ trì tổ chức cập nhật số liệu của địa phương vào cơ sở dữ liệu chung về chất lượng nước tại các hệ thống công trình thủy lợi, dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm, dữ liệu về tình hình cấp phép và thực hiện giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi,....
- Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi: Chủ động tăng cường giám sát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề,...trên địa bàn. Thực hiện công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước trong công trình thủy lợi,...
- Chính quyền địa phương các cấp nơi có công trình thủy lợi: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi theo thẩm quyền,...
Như vậy, với việc ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, chất lượng nước trong công trình thủy lợi sẽ từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.