Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, trong năm 2018 số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng tương đương so với TBNN, cụ thể sẽ có khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ với khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Vào thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN ở khu vực Bắc Biển Đông. Tình hình khí tượng thủy văn năm 2018 dự báo là năm tiếp tục có thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn; mưa lớn cục bộ, lượng mưa vượt trung bình hàng năm.
Để chuẩn bị cho công tác sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các Công ty Thủy lợi khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi tại văn bản số 643/SNN-TL ngày 21/3/2018, theo đó yêu cầu các Công ty Thủy lợi thực hiện:
- Kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý bao gồm: Các trạm bơm; cống; hồ chứa nước; trục kênh; bờ vùng; bờ bao; những vị trí xung yếu của công trình trên địa bàn thuộc phạm vi Công ty quản lý.
- Xây dựng phương án phòng chống thiên tai; đặc biệt các công trình trọng điểm như Hồ chứa, các cống dưới đê, đập, tràn, cống lấy nước hồ chứa..những điểm thường xảy ra sự cố; các trạm bơm tiêu lớn đã vận hành nhiều trong mùa mưa bão năm 2017.
- Chủ động tiến hành nạo vét các cửa sông, cửa cống, các bể hút, kênh, mương, sông, suối, khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác, đăng, đó… kiểm tra, bổ sung các trang thiết bị, vật tư phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai; Sửa chữa máy móc, thiết bị các trạm bơm tiêu, các công trình bị hư hỏng đảm bảo 100% công trình phục vụ tốt trong mùa mưa lũ năm 2018.
Qua Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2018 cho thấy: Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố như các trạm bơm, kênh mương, cống, hồ chứa nước….cơ bản vẫn ổn định. Tuy nhiên do hầu hết công trình thủy lợi được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước nên quy mô và máy móc, thiết bị lạc hậu, hư hỏng.
Hiện nay các Công ty Thủy lợi đã tiến hành triển khai sửa chữa các hư hỏng, sự cố máy móc thiết bị phần cơ, phần điện các trạm bơm, cống điều tiết, cống tiêu trên đê sông, kênh mương, nạo vét, khơi thông dòng chảy… bằng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên trong Kế hoạch đặt hàng của các Công ty Thủy lợi để trước mắt các công trình có thể tiếp tục vận hành phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.
(Hình ảnh minh họa: Trạm bơm Săn)
Để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai năm 2018, vận hành an toàn công trình và phát huy năng lực, hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố; giảm thiểu các thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2018 và các năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đề nghị:
- Các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi và kiên quyết trong việc giải toả các vi phạm, các chướng ngại vật trên dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn không để các vi phạm mới, tái vi phạm trên các sông, kênh, mương chính (đặc biệt là trục chính sông Nhuệ và các hệ thống tiêu chính) đảm bảo thông thoáng dòng chảy trong mùa mưa bão.
-Các Công ty thuỷt lợi chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi nhận bàn giao từ UBND các quận, huyện, thị xã theo nội dung Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội; nạo vét, khơi thông các tuyến kênh tiêu nội đồng, bố trí các trạm bơm dã chiến tại các vùng có nguy cơ úng ngập cục bộ.
- Cử cán bộ thường xuyên túc trực tại các công trình trọng điểm, các công trình xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố. Quán triệt đến các cán bộ, công nhân các biện pháp nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn Công ty phục vụ, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện./.