Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018; Luật gồm 10 chương, 60 điều, quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những vấn đề chung về hoạt động thủy lợi; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; nguyên tắc, hình thức, nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác, an toàn công trình thủy lợi... Luật Thủy lợi thay thế Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật Thủy lợi quy định các nội dung mới tạo động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi nhằm phát triển thủy lợi bền vững, phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất, dân sinh. Một số hoạt động chưa được quy định tại Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật thủy lợi lần này như: Chiến lược, quy hoạch thủy lợi; điều tra cơ bản thủy lợi; nguyên tắc, hình thức, nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi...
Một trong những điểm mới của Luật thủy lợi là chuyển cơ chế từ "Thủy lợi phí" sang "Giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi" nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi, bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; Lĩnh vực Thủy lợi sẽ được mở rộng tối đa để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Luật Thủy lợi cũng chỉ rõ trong từng thời kỳ, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi được ngân sách nhà nước bảo đảm, thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ các dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích. Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Để triển khai thi hành Luật Thủy lợi, ngày 19/01/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 164/SNN-TL đề nghị các Công ty TNHH MTV ĐTPT Thủy lợi: Sông Nhuệ, Sông Đáy, Hà Nội, Mê Linh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích nghiên cứu triển khai, thực hiện Luật Thủy lợi theo đúng quy định.