Mặc dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hệ thống đê điều của Hà Nội vẫn chưa ổn định. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nhất là trong bối cảnh khí hậu ngày càng cực đoan, thời tiết diễn biến khó lường..., việc đầu tư nâng cao năng lực công trình chống lũ và kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật đê điều thực sự phải được xem là nhiệm vụ cấp bách.
|
Tuyến đê sông Hồng đoạn chạy qua xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) trở thành điểm tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Ảnh: Thái Hiền |
Tăng cường đầu tư
Nằm trong hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, Hà Nội có hơn 626km đê chạy qua. Đây đều là những công trình đê quan trọng bậc nhất nhưng chất lượng đê hiện được cho là yếu nhất...
Theo đánh giá hiện trạng đê trước mùa mưa năm 2017 của Sở NN&PTNT, mặc dù các tuyến đê của Hà Nội hiện nay đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế, nhưng tiềm ẩn trong thân đê nhiều ẩn họa như: Tổ mối, tổ chuột, dị tật... Khi mực nước sông lên báo động 2, nhiều đoạn đê bắt đầu xuất hiện thấm mái đê ở mức độ nhỏ và tăng dần khi mực nước cao hơn và thời gian ngâm lũ dài hơn. Vào mùa lũ, một số vị trí trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn các quận, huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, thường xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi... Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, các tuyến đê của Thủ đô yếu là do lịch sử hình thành lâu đời, vật liệu xây dựng không đồng nhất, chịu tác động của thời tiết, thủy văn ngày càng cực đoan, bất thường... Hơn nữa, các tuyến đê còn bị con người xâm hại...
Do chất lượng yếu nên mùa mưa bão năm 2016, hệ thống đê của Hà Nội đã xảy ra 47 sự cố sạt lở. Để khắc phục, thành phố đã đầu tư gần 379 tỷ đồng nâng cấp đê Vân Cốc, đoạn thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ; cải tạo, nâng cấp mặt đê tả Hồng (huyện Đông Anh); xây dựng hành lang chân đê hữu Đà, hữu Hồng (huyện Ba Vì); xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống (quận Long Biên)… Năm 2017, thành phố tiếp tục đầu tư 15 dự án kè chống sạt lở 8 tuyến đê; xây dựng 17 đoạn đường hành lang chân đê...
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, để bảo đảm an toàn các tuyến đê phục vụ công tác chống lũ, ngoài việc đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thì việc quan trọng không kém là phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều. Thực tế, nhiều đoạn đê bị suy yếu là do con người xâm hại, như: Tập kết tre, gỗ, vật liệu xây dựng, chất thải, rác thải… dẫn đến hình thành tổ mối, tổ chuột trong thân đê. Ngoài ra, các phương tiện quá tải cũng tham gia tàn phá mặt đê, gây sạt thân đê… Hành vi xâm hại đê của con người có thể nói còn nguy hiểm hơn cả thiên tai. Tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 2.000 vụ vi phạm công trình đê điều nhưng đến nay còn tồn đọng gần 1.300 vụ chưa được xử lý…
Sở NN&PTNT vừa đề xuất UBND thành phố đầu tư hơn 440 tỷ đồng kinh phí cải tạo, sửa chữa 101 công trình đê điều, 72 công trình thủy lợi, chống xuống cấp 27 trụ sở của các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT trong năm 2018. |
Để bảo đảm an toàn tuyến đê, ngày 15-8, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã ký văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật đê điều đang tồn đọng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới. Nhằm ngăn ngừa phát sinh vi phạm, các quận, huyện, thị xã cần tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật đê điều đến người dân. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thỏa thuận, cấp phép trước khi xây dựng công trình liên quan đến đê điều; tổ chức tập huấn công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đê điều cho cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn…
UBND thành phố giao Sở Nội vụ kiểm tra, thanh tra công vụ, làm rõ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức có liên quan, báo cáo UBND thành phố để xử lý theo quy định của pháp luật. Sở NN&PTNT có trách nhiệm đề xuất UBND thành phố ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ công tác quản lý trong kế hoạch tu bổ đê điều hằng năm: Cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê điều, xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê, nâng cấp, gia cố mặt đê, tăng tải trọng thiết kế; đề xuất xây dựng kè kết hợp làm đường ven sông đoạn qua khu vực đô thị trung tâm thành phố nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng đổ chất thải xây dựng lấn chiếm bãi sông, lòng sông… Bên cạnh đó, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo cảnh quan đô thị. Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND thành phố lập phương án di dân, tái định cư, di dời công trình, nhà ở nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều và các khu vực khác cần phải tổ chức di dời…
Trước mắt, để bảo đảm an toàn công trình đê điều phục vụ công tác chống lũ năm 2017, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó đặc biệt lưu ý tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố đê điều ngay từ khi mới xảy ra, không để kéo dài, nảy sinh những hậu quả đáng tiếc…
Kim Văn