Khó khăn trong xử lý xả thải gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi
Tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi luôn là vấn đề được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng TP Hà Nội quan tâm. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này rất khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Hệ quả gây ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường và đời sống dân sinh.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.638 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dài 2.853km và nhiều công trình trên kênh, hàng nghìn cống tưới, tiêu nước. Ngoài ra, còn có gần 10.000km kênh mương từ cấp 3 đến mặt ruộng; 18 hồ chức nước, bai, đập dâng với dung tích 203 triệu m3 khối nước do 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố quản lý phục vụ tưới cho 281.600ha canh tác, tiêu cho 477.000ha lưu vực. Hệ thống công trình thủy lợi trải dài trên địa bàn các quận, huyện, thị xã phục vụ tưới, tiêu, chống úng ngập cho các địa bàn nội và ngoại thành trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi phức tạp và luôn biến động theo không gian, thời gian, phụ thuộc vào nguồn xả thải.

Qua rà soát của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, trên địa bàn thành phố tồn tại 1.375 điểm xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có 644 điểm xả nước thải sản xuất công nghiệp, làng nghề, 731 điểm xả nước thải dân sinh, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện… Qua phân tích mẫu nước thải gồm có các loại chất hóa học, hữu cơ, kiềm, các hợp chất phenol, kim loại nặng. Hiện nay, chất lượng nước ở một số lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầy Bây... đang bị suy giảm và ô nhiễm. Các tiêu chí ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 4 đến 5 lần. Bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận thấy nước sông màu đen, nổi váng, lắng cặn và có mùi tanh, hôi thối. Việc xả thải đã làm ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các địa phương dọc theo lưu vực các sông.

Nguyên nhân chưa kiểm soát được các cơ sở xả thải do số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ rất lớn, phân tán, có thời gian hoạt động từ nhiều năm nay, hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải. Nhiều đô thị, khu dân cư tập trung do trước đây không có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng chưa tính tới xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, vì vậy, không có mặt bằng (quỹ đất) để xây dựng hệ thống xử lý. Đó là chưa kể, việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tốn nhiều kinh phí; ý thức chấp hành pháp luật còn thấp, trong khi việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đúng mức hoặc còn liên quan đến vấn đề xã hội, công ăn việc làm của người lao động... Lo ngại về tình hình ô nhiễm môi trường, đã có nhiều ý kiến đề nghị, cần kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước để đảm bảo phù hợp với khả năng chịu tải cũng như khả năng tự làm sạch của nguồn nước tiếp nhận...

Siết chặt quản lý

Để bảo vệ môi trường, sở, ngành liên quan của thành phố đã phối hợp với các địa phương, rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 30 tổ chức, cá nhân có xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn 11 quận, huyện. Qua thanh tra, nhìn chung các tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra đều có giấy phép kinh doanh phù hợp với ngành nghề được kiểm tra. Các tổ chức, cá nhân có giấy phép xả thải vào nguồn nước do UBND quận, huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp phép; có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ quan trắc mức độ ô nhiễm của nước thải và báo cáo kết quả quan trắc theo định kỳ. Số điểm xả thải được cấp phép cũng chưa đúng với thực tế được kiểm tra; vị trí điểm tiếp nhận xả thải là công trình trình thủy lợi không đúng với tên công trình thủy lợi, điều này có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình thủy lợi...

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi và thanh tra các hoạt động xả thải trực tiếp vào công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố. UBND quận, huyện tập trung rà soát, thống kê cơ sở có xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt lưu ý đến việc xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; phối hợp với sở chuyên ngành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có xả thải. Còn các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tăng cường kiểm tra các vi phạm về xả thải, kịp thời báo cáo cơ quan liên quan để xử lý các đối tượng vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, đấu nối các điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố bảo đảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ tưới, tiêu, an toàn công trình.

Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi cũng như hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, nhiều ý kiến đề xuất, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thành phố cần xử phạt nặng các trường hợp vi phạm; thậm chí yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm dừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và nhà máy xử lý trước khi xả ra môi trường. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9240
Tổng lượng truy cập: 25479348