Nhiều giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn đê điều
Là địa phương có hệ thống sông, ngòi, đê điều lớn, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư tu bổ nâng cấp, song vẫn còn một số trọng điểm xung yếu. Để chủ động phòng chống lụt bão có hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế xã hội. Thành phố đã và đang tập trung nguồn lực, tăng cường công tác quản lý bảo vệ an toàn các công trình đê điều trước những diễn biến thiên tai.

 


\"\"Thi công dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì

Hà Nội có các sông lớn chảy qua, như: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ, tổng số chiều dài đê 626,124 km. Thành phố có 17 Hạt Quản lý đê, cùng 73 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, 279 giếng giảm áp trên tuyến đê Hữu Hồng. Theo phân cấp quản lý, thành phố quản lý và đầu tư các tuyến đê từ cấp III trở lên đến cấp đặc biệt; quận, huyện, thị xã quản lý và đầu tư các tuyến đê từ cấp IV trở xuống.
 
Riêng hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có chiều dài 231,246km từ đê cấp II đến cấp đặc biệt, nhiều tuyến đê kết hợp mặt đê là đường giao thông chính liên tỉnh, liên huyện với mật độ giao thông lớn. Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và Thành phố, hệ thống đê điều trên địa bàn Thành phố được đầu tư duy tu, sửa chữa đảm bảo về mặt cao trình chống lũ, sửa chữa mặt đê và xây dựng đường hành lang để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, phát triển kinh tế-xã hội. 
 
Tuy nhiên, trên hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống còn nhiều đoạn chưa đảm bảo mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa, trong khi các tuyến đê này là các tuyến đê cấp đặc biệt và cấp I. 
 
Để đảm bảo hoạt động của các tuyến đê, thành phố đã tích cực công tác kiểm tra, quản lý và bảo vệ công trình đê điều, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng thực hiện đầu tư kè gia cố chống sạt lở 118,4km trên tổng chiều dài bờ sông là 265km, phần còn lại dài 146,6km chưa được gia cố, trong đó, có 40km có nguy cơ sạt lở cao và 4,0km các tuyến kè cũ đã hư hỏng. 
 
Đánh giá về tình trạng đê điều của thành phố, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: hệ thống đê của Hà Nội là tuyến đê quan trọng nhất của cả nước, trong đó, có những đoạn cấp đặc biệt, hầu hết các tuyến đê của Hà Nội đều gắn với giao thông. Theo lãnh đạo Tổng cục mặc dù Bộ NN&PTNT đã bố trí kinh phí hỗ trợ Hà Nội thực hiện trong năm 2017 nhưng chỉ là những đoạn đê xung yếu nhất. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế lại nhiều hơn và cấp bách hơn. 
 
Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, đáp ứng yêu cầu về công tác phòng chống thiên tai trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, trong thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cấp hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống theo Chương trình Nâng cấp đê sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09/12/2009.
  
Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT dành cho Hà Nội năm 2017 chỉ có 400 tỷ đồng, trong đó, có 300 tỷ đồng phục vụ nâng cấp đê điều và 100 tỷ đồng cho chương trình nước sạch nông thôn. Thứ trưởng cho rằng, đối với Hà Nội, công tác phòng chống thiên tai, tiêu nước phải gắn với bảo vệ cảnh quan, trong đó, sớm đưa 4 con sông Tích, Đáy, Nhuệ, Tô Lịch trở về thành những con sông tự nhiên. Để có nguồn lực triển khai các dự án thủy lợi, thành phố Hà Nội cần tính đến giải pháp xã hội hóa và vay vốn ODA.
 
Theo kế hoạch trong giai đoạn tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư kinh phí thực hiện các dự án theo Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014, cụ thể là các dự án: dự án Nâng cao các đường tràn, củng cố, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đê trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức. Ngoài ra, sẽ thực hiện dự án nắn chỉnh đê tả Đáy đoạn qua khu vực Song Phương (phù hợp với tuyến đường vành đai 4) và đoạn qua khu vực Yên Nghĩa; dự án củng cố đê hữu Đáy từ Đập Đáy đến Mai Lĩnh; dự án củng cố, nâng cấp đê tả Đáy, đê tả, hữu Bùi và tả Mỹ Hà. Đầu tư kinh phí thực hiện các dự án kè gia cố chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, với kinh phí là 1.200 tỷ đồng. 
 
Thành phố sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu cho xây dựng mới và khớp nối các tuyến đường hiện có tạo thành 2 tuyến đường hai bên bờ sông Hồng, cao trình mặt đường tương đương cao trình mực nước lũ ở mức báo động số 2 để phục vụ giao thông đi lại khu các khu dân cư ngoài bãi và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, thành phố rà soát quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích 2.230ha đất bãi sông Hồng, trong đó, có 804,5ha dân cư hiện có và quy hoạch xây dựng mới 131,275ha.
 
Riêng đối với khu vực đối với khu vực ngoại thành, thành phố sẽ lập các phương án cho cải tạo, nâng cấp các tuyến đê bối kết hợp làm đường giao thông phục vụ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế và giao thông đi lại của người dân sinh sống ngoài vùng đất bãi.

Đoàn Nguyên
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9210
Tổng lượng truy cập: 25479348