Chi cục Thủy lợi Hà Nội vừa đánh giá công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016. Đồng thời kiến nghị một số giải pháp bảo vệ công trình thủy lợi trong thời gian tới.
Theo đánh giá, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi được ban hành đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Là cánh tay nối dài của UBND thành phố trong quản lý nhà nước về lĩnh vực nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp thủy lợi thường xuyên, liên tục xử lý vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố. Công tác tuyên truyền được UBND thành phố, sở, ngành, đơn vị liên quan quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố được nâng lên rõ rệt. Điều này thể hiện ở chỗ, số vụ vi phạm mới phát sinh đã giảm đáng kể…
Tuy vậy, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố khá lớn, tổng số 2.033 trạm bơm điện với tổng số 4.324 máy bơm các loại; 11.412 tuyến kênh tưới, tiêu với tổng chiều dài khoảng 12.444km; 95 hồ chứa nước thủy lợi; 85 bai, đập dâng và 13.155 cống điều tiết các loại, địa bàn hoạt động rộng, hầu hết chưa được đầu tư kiên cố hóa đồng bộ, đa số hệ thống kênh tưới, tiêu bằng đất; các công trình thủy lợi vẫn chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ chưa phân định rõ công trình. Hầu hết các công trình thủy lợi hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên trong một số trường hợp việc xác định mức độ vi phạm còn gặp nhiều khó khăn…
Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy lợi Hà Nội kiến nghị: UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải tỏa các vụ vi phạm mới phát sinh, các vụ vi phạm trực tiếp cản trở dòng chảy, giải tỏa các vụ vi phạm trong lòng sông, lòng kênh, từng bước giải tỏa dần các vụ tồn tại cũ. Kiên quyết ngăn chặn không để tái vi phạm sau giải tỏa và vi phạm mới phát sinh. Thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi theo quy định. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện Quyết định số 4862/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 của UBND thành phố và các văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất biện pháp giải tỏa của đơn vị.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm công trình thủy lợi ngay từ khi mới phát sinh; chịu trách nhiệm về việc tổ chức xử lý vi phạm, không để vi phạm phát triển đến khó xử lý. Phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi, rà soát thống kê các vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, tiến độ, phương án cụ thể giải tỏa các vi phạm cũ. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được quy định tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, đơn vị và nhân dân hiểu và thực hiện các quy định hiện hành về bảo vệ công trình thủy lợi…
Văn Quyết